Thông tin bản đồ quy hoạch khu kinh tế Thái Bình đến 2040 tầm nhìn 2050

Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung sau :

Phạm vi ranh giới lập bản đồ quy hoạch khu kinh tế Thái Bình

Khu kinh tế Thái Bình có diện tích tự nhiên 30.583ha, bao gồm 30 xã, 01 thị trấn thuộc 02 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển như sau:

  • Huyện Thái Thụy gồm 14 xã và 01 thị trấn: Thị trấn Diêm Điền, các xã: Thụy Hải, Thụy Lương, Thụy Hà, Thụy Tân, Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Liên, Thái Nguyên, Thái Thượng, Thái Hòa, Thái Đô, Thái Thọ, Thái Xuyên, Mỹ Lộc.
  • Huyện Tiền Hải gồm 16 xã: Đông Trà, Đông Hải, Đông Long, Đông Xuyên, Đông Hoàng, Đông Minh, Đông Cơ, Đông Lâm, Tây Giang, Tây Sơn, Nam Cường, Nam Thắng, Nam Thịnh, Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Phú.

Ranh giới Khu kinh tế được xác định như sau:

  • Phía Bắc giáp với thành phố Hải Phòng qua sông Hóa.
  • Phía Nam và Tây Nam giáp với tỉnh Nam Định qua sông Hồng.
  • Phía Đông giáp biển Đông với hơn 50km bờ biển.
  • Phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thụy và Tiền Hải.
Quy hoạch khu kinh tế ven biển Thái Bình
Bản đồ quy hoạch khu kinh tế ven biển Thái Bình

Tính chất bản đồ quy hoạch khu kinh tế Thái Bình

  • Quy hoạch khu kinh tế Thái Bình là Khu kinh tế tổng hợp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Bình và vùng Duyên hải Bắc Bộ.
  • Là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng Duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, bao gồm: Kinh tế hàng hải, trung tâm công nghiệp, năng lượng, thương mại – dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản.
  • Là khu kinh tế có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Các khu chức năng của khu kinh tế ven biển Thái Bình

Trung tâm điện lực Thái Bình

  • Trung tâm nhiệt điện Thái Bình, diện tích 253ha.
  • Khu điện gió, quy hoạch diện tích khoảng 600ha: Trong đó, 200ha tại khu vực bãi bồi ven biển các xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú; 200ha tại khu vực biển giáp khu du lịch Cồn Đen, xã Thái Đô (huyện Thái Thụy); 200ha tại khu vực giáp cửa Trà Lý, xã Đông Long (huyện Tiền Hải).

Trung tâm công nghiệp – đô thị – dịch vụ

Các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình có tổng diện tích 8.020ha, được phân bổ như sau:

Trên địa bàn huyện Thái Thụy có: Các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, tổng diện tích 2.783ha; các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tổng diện tích 1.275ha. Loại hình công nghiệp:

  • Phía Bắc sông Diêm Hộ và cửa Diêm Điền (thuộc địa bàn các xã Thụy Tân, Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Lương, Thụy Hải, Thụy Hà, Thụy Liên): Đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ít gây ô nhiễm; Ưu tiên các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Cụ thể: Công nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin; công nghiệp cơ khí, lắp ráp chế tạo máy, tự động hóa; các ngành vật liệu xây dựng (sản xuất gốm sứ, thủy tinh, sản phẩm chịu lửa,…); công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng; các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường (thời trang, công nghiệp tin học, phần mềm, công nghiệp chế biến nông thủy hải sản, thực phẩm đồ uống, công nghiệp dược, thiết bị y tế, thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng); công nghiệp hỗ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vv…
  • Phía Nam sông Diêm Hộ và cửa Diêm Điền (thuộc địa bàn các xã Thái Thượng, Thái Nguyên, Thái Hòa, Thái Đô, Mỹ Lộc, Thái Thọ): Đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ít gây ô nhiễm; Ưu tiên các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Cụ thể: Công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất hàng dân dụng cao cấp, dệt may; sản xuất, lắp ráp thiết bị, máy móc, sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy, sản xuất thiết bị điện, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên liệu, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn thiện; dịch vụ hậu cần cảng biển; sản xuất dược phẩm; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic;…

Trên địa bàn huyện Tiền Hải có: Các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, tổng diện tích 1.415ha; các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tổng diện tích 2.547ha. Loại hình công nghiệp:

  • Phía Bắc sông Lân và cửa Lân (thuộc địa bàn các xã Đông Hải, Đông Long, Đông Hoàng, Đông Trà, Đông Xuyên, Đông Minh, Đông Lâm, Đông Cơ, Tây Sơn, Tây Giang): Đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ít gây ô nhiễm; Ưu tiên các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Cụ thể: Loại hình khai thác và chế biến khí (khai thác, thu gom, vận chuyển, chế biến, dự trữ, phân phối) và công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí (sản xuất các loại chất dẻo, xơ, sợi tổng hợp, cao su tổng hợp, phân hóa học, hóa chất, vật liệu xây dựng cao cấp và các sản phẩm bê tông đúc sẵn, thủy tinh, dệt, nhuộm, vv…); hoàn tất sản phẩm vải cao cấp, may mặc xuất khẩu và nguyên phụ liệu; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng; đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp hàng không (thiết kế, chế tạo các cấu kiện, thiết bị tàu bay và các trang thiết bị hàng không, sản xuất tàu bay nhỏ), công nghiệp cơ khí chế tạo động cơ; sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, các phương tiện vận tải; công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, hỗ trợ ngành dệt may, công nghiệp vật liệu xây dựng; kho ngoại quan, logistic,…
  • Phía Nam sông Lân và cửa Lân (thuộc địa bàn các xã Nam Hưng, Nam Phú, Nam Cường, Nam Thắng, Nam Thịnh): Đa ngành, ưu tiên các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phục vụ đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; sản xuất trang thiết bị phục vụ du lịch; công nghệ cao sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử; công nghiệp phụ trợ; sản xuất máy móc, thiết bị vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, đồ gia dụng, tiêu dùng, chế biến nông sản và các ngành công nghiệp nhẹ khác.

Khu cảng biển Thái Bình

Với các khu bến, khoảng 500ha: Khu bến Diêm Điền và Trà Lý đáp ứng tiếp nhận tàu đến 5.000DWT (phía trong sông) và 50.000DWT (phía biển); Các khu bến khác: Mỹ Lộc, Thái Thọ, Tân Sơn, Thụy Tân, Nam Thịnh cho tàu có tải trọng 200 – 1.000 tấn; Ba Lạt cho tàu có tải trọng từ 5.000 – 30.000 tấn.

Các đô thị

  • Thị trấn Diêm Điền mở rộng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng của khu bến Diêm Điền, Tân Sơn; đô thị huyện lỵ của huyện Thái Thụy. Hiện trạng là đô thị loại IV, đến năm 2040 đạt đô thị loại III.
  • Thị trấn Tiền Hải mở rộng gắn với phát triển Khu công nghiệp Tiền Hải (hiện có), dịch vụ khu công nghiệp, dịch vụ du lịch; đô thị huyện lỵ của huyện Tiền Hải. Hiện trạng là đô thị loại V, đến năm 2040 đạt đô thị loại III.
  • Đô thị Thụy Trường gắn với phát triển các khu dân cư – dịch vụ phía Bắc Khu kinh tế. Đến năm 2025 đạt đô thị loại V.
  • Đô thị Đông Minh gắn với phát triển du lịch – dịch vụ vùng giữa Khu kinh tế. Đến năm 2025 đạt đô thị loại V.
  • Đô thị Nam Phú gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển phía Nam Khu kinh tế. Đến năm 2025 đạt đô thị loại V.

Các khu du lịch và dịch vụ tập trung

Có diện tích 3.110ha, bao gồm: Các khu, điểm du lịch biển tại Cồn Đen, Cồn Thủ, Cồn Vành và Đồng Châu. Các khu dịch vụ tập trung tại Đông Hoàng, Đông Minh, Nam Cường, Nam Thịnh và Nam Phú; xây dựng và phát triển thành các khu dịch vụ du lịch, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản và các khu dân cư dịch vụ.

Các khu dân cư nông thôn và nông nghiệp

Tập trung chủ yếu tại khu vực các xã Thụy Tân, Mỹ Lộc, Thái Xuyên (huyện Thái Thụy); xã Đông Trà, Đông Xuyên, Nam Thắng, Nam Thanh (huyện Tiền Hải). Định hướng phát triển không gian ở nông thôn cơ bản giữ nguyên cấu trúc không gian hiện hữu; cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện môi trường sống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Quy hoạch không gian kiến trúc KKT Thái Bình

bản đồ quy hoạch khu kinh tế Thái Bình
Bản đồ quy hoạch khu kinh tế Thái Bình

Các vùng kiến trúc cảnh quan trong khu kinh tế Thái Bình

Vùng cảnh quan ven biển

  • Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
  • Tăng thêm mức độ đa dạng sinh học tại những khu, điểm du lịch nhờ những dự án có các công viên cảnh quan, khu nuôi chim thú… hoặc bảo tồn đa dạng sinh học thông qua nuôi trồng nhân tạo phục vụ du lịch.
  • Bổ sung vẻ đẹp cảnh quan cho khu vực phát triển du lịch nhờ các dự án có yêu cầu tạo thêm các vườn cây, hồ nước nhân tạo…
  • Xây dựng mật độ thấp, có thể hợp khối theo dạng dải, chiều cao không quá 8 tầng.

Vùng cảnh quan dọc sông

Vùng có vai trò kết nối các đô thị với dòng sông bởi các hoạt động du lịch sinh thái, đồng thời cũng là vành đai xanh bảo vệ khu vực.

  • Đối với các khu đô thị mới: Hình thành mô hình ở sinh thái mật độ thấp kết hợp khai thác các hoạt động du lịch, dịch vụ ven sông.
  • Tạo các tuyến đường dạo (đi bộ, xe đạp) dọc sông nhằm tạo điều kiện sinh hoạt cộng đồng kết hợp với việc khai thác du lịch tại các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (trang trại, cánh đồng du lịch).
  • Xây dựng mật độ thấp, dành tối thiểu 15% diện tích đất được giao làm dự án (hoặc trong các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải xác định) để trồng cây xanh.

Vùng cảnh quan thị trấn Diêm Điền mở rộng

  • Khai thác cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Diêm Hộ, mặt nước cửa Diêm Điền, để tổ chức các công trình kiến trúc hiện đại, ưu tiên phát triển các dự án nhà ở chung cư, các tòa nhà văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại.
  • Tại các đơn vị ở mới, tạo nhiều trục không gian hướng ra cửa Diêm Điền. Khu vực trung tâm hiện hữu cải tạo nâng cấp kiến trúc công trình của các tuyến phố nhỏ, tuyến phố buôn bán, phục vụ công nhân, du khách, người dân trong khu vực, tăng sự sầm uất và sôi động về đêm cho khu vực.
  • Đối với các tuyến phố nhỏ, tuyến phố buôn bán xây dựng mật độ cao, chiều cao tối đa 7 tầng. Đối với các khu nhà ở chung cư chiều cao tối đa 15 tầng, các khu thương mại, văn phòng, khách sạn không hạn chế chiều cao. Chiều cao xây dựng công trình phụ thuộc vào kích thước, diện tích lô đất đáp ứng đủ khoảng lùi tối thiểu theo quy chuẩn hiện hành; khả năng tiếp cận về giao thông; đáp ứng đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, địa chất công trình, điều kiện tự nhiên và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
  • Công trình điểm nhấn được lựa chọn là tại khu vực tiếp cận Sông Diêm Hộ và tuyến đường bộ ven biển.

Vùng cảnh quan khu đô thị du lịch Cồn Thủ, Cồn Vành

  • Xây dựng cao tầng, hiện đại, đồng bộ, phối kết hài hòa với không gian xanh, không gian mở sinh hoạt cộng đồng.
  • Các trục cây xanh được dẫn từ khu rừng ngập mặn và sông vào tới trung tâm của khu đô thị. Bên cạnh các công trình du lịch, khu ở được xây dựng hiện đại sẽ xây dựng một tòa nhà văn phòng – khách sạn – trung tâm thương mại cao tầng tạo điểm nhấn cho toàn khu đô thị.
  • Trên dải cây xanh dọc sông, bao quanh khu đô thị cần thiết xây dựng tuyến đường dạo, cho phép xây dựng các công trình kiến trúc nhỏ, 1 tầng, phục vụ sinh hoạt của cộng đồng và khách du lịch như quán cà phê, quán sách, sân khấu biểu diễn ca nhạc ngoài trời hay các kiot bán hàng lưu động.

Vùng cảnh quan thị trấn Tiền Hải mở rộng và đô thị Đông Minh

  • Xây dựng cao tầng, hiện đại, đồng bộ, kết hợp hài hòa với các không gian mở, các lõi cây xanh và các trục đường hướng ra biển của đô thị Đông Minh.
  • Chiều cao công trình tại khu đô thị này thấp dần về phía trung tâm thị trấn Tiền Hải để hài hòa với khu dân cư hiện hữu. Điểm nhấn không gian là cảnh quan là tuyến cầu kết nối từ đô thị Đông Minh ra khu đô thị du lịch Cồn Thủ.

Vùng cảnh quan các đô thị Thụy Trường, Nam Phú

Xây dựng hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên. Tạo các trục không gian hướng sông Hồng, sông Thái Bình, tạo các khu ở theo dạng nhà phố, khu ở chung cư đa dạng dành cho công nhân, chuyên gia.

Vùng cảnh quan các khu công nghiệp

  • Khai thác điều kiện địa hình tự nhiên tạo sự gắn kết hài hòa giữa công trình và thiên nhiên trong thiết kế cảnh quan.
  • Cảnh quan khu công nghiệp phải phù hợp với môi trường nơi đặt khu công nghiệp, làm nổi bật đặc điểm khí hậu cảnh quan tự nhiên.
  • Tạo cảnh bằng tổ chức bề mặt địa hình nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng thẩm mỹ. Những không gian mở, trục, đảo giao thông là vị trí thuận lợi để tạo điểm nhấn cảnh quan khu công nghiệp
  • Khai thác các chi tiết kiến trúc nhỏ kết hợp cây xanh, địa hình tạo cảnh quan phong phú.
  • Đưa các công trình kỹ thuật, kết cấu làm yếu tố thẩm mỹ trong tổ chức kiến trúc cảnh quan, khu công nghiệp sử dụng màu sắc theo đặc điểm tâm sinh lý người lao động, môi trường địa phương, ứng dụng các kết cấu mới, sử dụng vật liệu có khả năng tái sử dụng làm kết cấu bao che và chịu lực.
  • Yếu tố cây xanh được tổ chức trong mặt bằng cảnh quan khu công nghiệp với diện tích tối đa. Cây xanh được chọn trong khu công nghiệp thường là cây có tán rộng để lấy bóng mát, các khu vực điểm nhấn thường kết hợp các loại cây phân tầng tạo nên nhiều màu sắc tươi sáng và sinh động.

Các khu vực trung tâm trong khu kinh tế biển Thái Bình

Khu trung tâm hành chính – chính trị của huyện Thái Thụy

  • Địa điểm: Khu vực trung tâm hiện hữu tại thị trấn Diêm Điền.
  • Bố cục quy hoạch, hình thức kiến trúc: Cải tạo, nâng cấp các công trình có hình khối kiến trúc đẹp, sử dụng các vật liệu hiện đại, thân thiện với môi trường, kết hợp với các mảng cây xanh tự nhiên tạo cảm giác tự nhiên thân thiện.

Khu trung tâm hỗn hợp đa năng kết hợp quảng trường lớn

  • Địa điểm: thuộc đô thị Đông Minh, tiếp giáp khu vực bãi biển Đồng Châu.
  • Bố cục quy hoạch, hình thức kiến trúc: Xây dựng trung tâm phức hợp đa năng thương mại, dịch vụ đẳng cấp, hiện đại gắn với tổ hợp thể dục thể thao và không gian quảng trường lớn, tạo giá trị và ấn tượng rõ nét của một khu đô thị gắn với cấu trúc mặt nước. Hình thức kiến trúc hiện đại, đa dạng, cao tầng như một quần thể kiến trúc nổi bật bên bờ biển của huyện Tiền Hải.

Trung tâm văn hóa, thể thao

Phát triển hệ thống các trung tâm dịch vụ thể thao tổng hợp theo các phân vùng để đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân và du khách. Bổ sung hệ thống hoạt động thể thao trên khu vực Đồng Châu, Cồn Thủ, Cồn Vành để cung các các dịch vụ đa dạng gắn với biển cho du khách.

Dịch vụ thương mại

Phát triển hệ thống dịch vụ thương mại đa dạng, phong phú, chất lượng cao.

Dịch vụ du lịch

  • Kết nối du lịch Khu kinh tế với các hành trình du lịch nổi tiếng trên sông Hồng, các khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu Tràng An bằng đường thủy, đường biển, đường hàng không (thủy phi cơ).
  • Hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tại khu vực Cồn Đen, Cồn Thủ, Cồn Vành. Đây là các khu vực có khí hậu, địa hình, không gian cảnh quan đẹp, dễ tổ chức các loại hình du lịch phong phú; dễ dàng tạo dựng mối liên kết với dân cư bản địa tại các khu vực này làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch và môi trường văn hóa du lịch.
  • Hình thành một số khu du lịch dịch vụ – văn hóa tại khu vực thị trấn Diêm Điền mở rộng, thị trấn Tiền Hải mở rộng.

Công nghiệp

  • Các khu, cụm công nghiệp được phân bố dựa trên khả năng khai thác quỹ đất hiện có và khả năng xây dựng tại khu vực tiếp giáp ven biển. Về cơ bản các khu, cụm công nghiệp được bố trí tiếp cận các tuyến giao thông đường bộ chính (đường cao tốc, đường bộ ven biển, QL39 và một số tuyến tỉnh lộ, vv… và các tuyến đường sông và cảng biển Thái Bình (khu bến Diêm Điền và khu bến Trà Lý), do đặc thù về địa hình, điều kiện quỹ đất và hệ thống giao thông của Khu kinh tế nên việc phân bố các khu, cụm công nghiệp trải dài từ Bắc – Nam.
  • Phát triển theo mô hình: KCN-ĐT-DV và KCN, CCN sạch. Từng bước phát triển theo hướng công nghiệp thân thiện với môi trường, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội – nhà ở hiện đại, đồng bộ. Trong trường hợp nhu cầu phát triển công nghiệp và dịch vụ cảng giảm được chuyển đổi thành khu phức hợp đô thị để cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho Khu kinh tế Thái Bình.

Khu vực cửa ngõ và công trình điểm nhấn

  • Cửa ngõ phía Bắc, tại đô thị Thụy Trường: Tạo điểm nhấn cửa ngõ phía Bắc Khu kinh tế là biểu tượng cổng chào tại quảng trường nút giao vào KCN Thụy Trường.
  • Cửa ngõ phía Nam, tại đô thị Nam Phú: Tạo điểm nhấn cửa ngõ phía Bắc Khu kinh tế là biểu tượng cổng chào tại quảng trường nút giao vào bến xe Cồn Vành.
  • Cửa ngõ phía Đông: Xây dựng biểu tượng kiến trúc phong cách đại dương độc đáo tại khu quảng trường giao thông giữa tuyến đường bộ ven biển và đường tỉnh ĐT465.
  • Công trình điểm nhấn được bố trí tại khu vực tiếp cận Sông Diêm Hộ và tuyến đường bộ ven biển và các công trình điểm nhấn mới tại các khu vực ven biển tại Cồn Thủ, Cồn Vành, Đồng Châu.

Các trục không gian chính

Là các trục chính không gian tại các đô thị, khu đô thị.

Thị trấn Diêm Điền mở rộng

  • Trục dịch vụ – thương mại nằm trên tuyến QL39, QL37 đoạn qua khu trung tâm đô thị: Tổ hợp các công trình khách sạn, nhà hàng, văn phòng có chiều cao không hạn chế, mở rộng tầm nhìn về phía biển, phía cửa Diêm Điền.
  • Trục hai bờ sông Diêm Hộ: Xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại, tài chính có khối tích lớn. Không gian quy hoạch, kiến trúc được làm mềm bởi dải cây xanh bên bờ sông.

Thị trấn Tiền Hải mở rộng

  • Trục cảnh quan dọc tuyến đường tỉnh ĐT465: Xây dựng kiến trúc công nghiệp hiện đại, cải tạo chỉnh trang mặt đứng khu dân cư hiện hữu.
  • Thị trấn Đông Minh : Là các tuyến ĐT465, ĐT464 kéo dài, hướng biển: Ưu tiên xây dựng cao tầng gắn với tuyến cầu kết nối sang Cồn Thủ được xây dựng mới, hiện đại.

Quảng trường lớn

  • Khu vực quảng trường biển tại trung tâm thị trấn Đông Minh là quảng trường lớn, nơi có có thể diễn ra nhiều lễ hội, chương trình vui chơi đáp ứng cho các hoạt động vui chơi, văn hóa, thể dục thể thao của đô thị. Tỷ lệ và bố cục các công trình xung quanh cần bảo đảm thẩm mỹ, gợi sự sầm uất, nhộn nhịp và thân thiện, hấp dẫn đối với các đối tượng khác nhau.
  • Hệ thống các quảng trường biển và quảng trường sông gắn với các khu đô thị, khu du lịch.

Quy hoạch giao thông khu kinh tế ven biển Thái Bình

  • Cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh: quy mô 6 làn xe.
  • Cải tạo, nâng cấp QL.39, quy mô 4-6 làn xe, QL.37 và QL.37B, quy mô 6 làn xe.
  • Xây mới tuyến Thái Bình – Hà Nam (ngoài ranh giới, ở về phía Bắc Khu kinh tế), quy mô 4 làn xe.
  • Bổ sung tuyến Thái Bình – Nam Định quy mô 4 làn xe.
  • Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh: ĐT.456, ĐT.461, ĐT.462, quy mô tối thiểu 2 làn xe; ĐT.459, ĐT.462, ĐT.464, ĐT.465 nâng cấp lên quy mô tối thiểu 4 làn xe.
  • Tuyến trục dọc phía Tây: Trên cơ sở nâng cấp, cải tạo, xây mới các tuyến đường tỉnh ĐT.458, ĐT.459, ĐT.462, tuyến nối ra Khu du lịch Cồn Vành, quy mô 4 làn xe; QL.37B, quy mô 6 làn xe.
  • Tuyến trục dọc phía Đông: Xây mới trên cơ sở các tuyến liên kết nội khu theo quy hoạch, quy mô tối thiểu 4 làn xe.
  • Tuyến trục ngang phía Bắc: Trên cơ sở nâng cấp, cải tạo QL.39 quy mô 4-6 làn xe.
  • Tuyến trục trung tâm phía Bắc sông Trà Lý kết nối ra Khu du lịch Cồn Đen, quy mô tối thiểu 4 làn xe.
  • Tuyến trục trung tâm phía Nam sông Trà Lý hỗ trợ kết nối theo hướng Đông Tây: Trên cơ sở nâng cấp, cải tạo, xây mới tuyến ĐT.464, quy mô tối thiểu 4 làn xe.
  • Tuyến trục ngang phía Nam: Trên cơ sở nâng cấp, cải tạo, xây mới tuyến ĐT.465, quy mô 4 làn xe.
  • Xây mới các trục giao thông kết nối nội khu và các trục kết nối cảng biển với giao thông đối ngoại, có lộ giới từ 24m-50m.
  • Xây dựng mới các tuyến giao thông kết nối giữa hệ thống giao thông nội bộ các khu chức năng với mạng lưới giao thông chính của toàn khu kinh tế, có lộ giới từ 20,5m – 47m.
  • Hệ thống các trục đường chính có lộ giới tối thiểu là 34m, các tuyến đường liên khu vực và chính khu vực có lộ giới tối thiểu là 20,5m.

Xem thêm :

Thông tin quy hoạch tại Việt Nam

Thông tin các dự án bất động sản tại Việt Nam

Từ khóa tìm kiếm liên quan : bản đồ quy hoạch khu kinh tế thái bình | quy hoạch khu kinh tế thái bình | bản đồ quy hoạch khu kinh tế thái bình mới nhất | thông tin bản đồ quy hoạch khu kinh tế thái bình | bản đồ quy hoạch khu kinh tế thái bình 2040 | bản đồ khu kinh tế thái bình | bản đồ quy hoạch khu kinh tế thái bình | công bố quy hoạch khu kinh tế thái bình | dự án khu kinh tế thái bình | khu kinh tế thái bình | khu kinh tế ven biển thái bình | quy hoạch chung khu kinh tế thái bình | quy hoạch khu kinh tế biển thái bình | quyết định thành lập khu kinh tế thái bình

Rate this post
Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Share on whatsapp
WhatsApp
Scroll to Top