Bản đồ quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn đến 2035 tầm nhìn 2050

Ngày 14 tháng 4 năm 2015, Thủ tướng chính phủ ký quyết định phê duyệt điều chỉnh bản đồ quy hoạch Quy Nhơn và vùng phụ cận đến 2035 tầm nhìn 2050 với nội dung sau :

Phạm vi lập quy hoạch thành phố Quy Nhơn

Quy Nhơn là một thành phố lớn ven biển miền Trung Việt Nam và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định, Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 67.788 ha, bao gồm :

  • Thành phố Quy Nhơn hiện hữu diện tích khoảng 28.428 ha.
  • Huyện Tuy Phước có diện tích khoảng 21.677 ha.
  • 02 xã Canh Vinh và Canh Hiển (huyện Vân Canh) có diện tích khoảng 13.634 ha.
  • Xã Cát Tiến, Cát Chánh và một phần xã Cát Hải (huyện Phù Cát) có diện tích khoảng 4.049 ha.

Toàn bộ khu vực quy hoạch được giới hạn như sau:

  • Phía Bắc giáp huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
  • Phía Tây giáp thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
  • Phía Đông giáp biển Đông.
  • Phía Nam giáp thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Bản đồ quy hoạch Quy Nhơn
Một góc thành phố Quy Nhơn – Bản đồ quy hoạch Quy Nhơn

Tính chất quy hoạch thành phố Quy Nhơn

  • Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định.
  • Là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại – dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Nam Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
  • Là đầu mối giao thông đường thủy, giao thông đường bộ quan trọng của vùng Nam Trung bộ và là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan ra biển Đông.
  • Là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm : Danh sách những dự án bất động sản mới tại Quy Nhơn

Mục tiêu quy hoạch TP Quy Nhơn

  • Đến năm 2025 trở thành một trong các đô thị trung tâm của Vùng duyên hải miền Trung, có nền kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp – cảng biển – dịch vụ – du lịch.
  • Đến năm 2035 là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia; có nền kinh tế phát triển theo định hướng dịch vụ – cảng biển – công nghiệp – du lịch, trọng tâm là dịch vụ – cảng biển.
  • Đến năm 2050 : Có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Trung Bộ; có nền kinh tế phát triển theo định hướng du lịch – dịch vụ – cảng biển – công nghiệp, trọng tâm là du lịch – dịch vụ – cảng biển; có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch, môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao….

Quy hoạch định hướng phát triển không gian thành phố Quy Nhơn

Bản đồ quy hoạch thành phố Quy Nhơn Bình Định
Bản đồ quy hoạch thành phố Quy Nhơn Bình Định

Mô hình đô thị Quy Nhơn

Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm với hai trung tâm chính là thành phố Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội.

Các khu vực đô thị phát triển có cấu trúc mở, liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông vùng. Các lưu vực sông Hà Thanh, sông Côn, đầm Thị Nại, vịnh Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai, núi Vũng Chua và vùng nông nghiệp huyện Tuy Phước là bộ khung tự nhiên có vai trò cân bằng trong phát triển đô thị.

Định hướng phát triển không gian đô thị thành phố Quy Nhơn

Quy hoạch Thành phố Quy Nhơn

Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định; một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại – dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Nam Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Năm 2025, dự báo dân số khoảng 382.000 – 393.000 người. Đất xây dựng đô thị khoảng 6.000 – 6.100 ha. Năm 2035, dự báo dân số khoảng 451.000 – 486.000 người. Đất xây dựng đô thị khoảng 8.200 – 8.300 ha.

Khu vực trung tâm hiện hữu Quy Nhơn

Hiện đại hóa trung tâm hành chính Tỉnh theo hướng tập trung, cao tầng; chuyển đổi các khu đất giáo dục, y tế, quốc phòng, cơ quan dọc bãi biển trên đường Xuân Diệu, đường An Dương Vương sang đất thương mại và dịch vụ du lịch chất lượng cao. Khu ven biển xây dựng các công trình hỗn hợp có chức năng chủ yếu là dịch vụ du lịch. Xây dựng trung tâm thương mại – dịch vụ – du lịch cao cấp dọc đường Nguyễn Tất Thành.

  • Khu vực cảng Quy Nhơn : Di dời cảng cá, mở rộng không gian bờ cát, xây dựng điểm dịch vụ du lịch và khu hỗn hợp nhà ở – dịch vụ – thương mại kết nối với khu du lịch Nhơn Hải bằng cáp treo.
  • Khu vực núi Bà Hỏa và lân cận : Xây dựng lâm viên văn hóa và giải trí, xây dựng đô thị mới quanh hồ Phú Hòa.
  • Khu vực núi Vũng Chua: Phát triển khu du lịch, đô thị nghỉ dưỡng theo sườn phía Đông hướng ra phía biển.
  • Xây dựng khu phức hợp đô thị Khoa học – Giáo dục tại Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng thành nơi hội tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới và trong nước; các nhà quản lý giáo dục, khoa học Việt Nam. Từng bước đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến của khoa học – giáo dục. Giai đoạn dài hạn, định hướng phát triển du lịch Bình Định theo hướng du lịch khoa học lớn trong khu vực và thế giới.
Phối cảnh quy hoạch TP Quy Nhơn
Phối cảnh quy hoạch TP Quy Nhơn

Khu vực phát triển mới

  • Khu vực phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nhơn Bình, Nhơn Phú: Hình thành khu đô thị mới tập trung, tiện nghi phục vụ nhu cầu ở đô thị và đáp ứng nhu cầu ở của công nhân lao động tại khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ và phụ cận. Hình thành các trung tâm công cộng cấp vùng về đào tạo, y tế, thể dục thể thao; khai thác cảnh quan hồ Bàu Lát thành công viên đô thị; hình thành trục không gian xanh kết nối các trung tâm công cộng vùng với vùng cảnh quan sông Hà Thanh và núi Vũng Chua.
  • Khu kinh tế Nhơn Hội: Là động lực phát triển cho thành phố Quy Nhơn, khu vực phụ cận và vùng Nam Trung Bộ, được quản lý xây dựng theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu vực phụ cận (huyện Tuy Phước và 2 xã Canh Vinh, Canh Hiển huyện Vân Canh)

Phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ thành phố Quy Nhơn với các chức năng: Công trình đầu mối hạ tầng đô thị; các trung tâm giao thương, dịch vụ đô thị, nhà ở xã hội… gắn với công nghiệp phụ cho Khu kinh tế Nhơn Hội. Trong đó:

  • Đô thị Diêu Trì : Là đô thị hạt nhân phía Tây thành phố Quy Nhơn, mở rộng không gian đô thị về phía Tây, gắn kết với các khu vực phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu của thành phố Quy Nhơn, phát triển mô hình khu đô thị nén. Các chức năng chính là: Đầu mối giao thông, trung tâm giao lưu thương mại – dịch vụ tài chính, ngân hàng, văn phòng giao dịch, đào tạo, y tế chất lượng cao. Đến năm 2035, dân số khoảng 30.000 – 40.000 người, đất xây dựng đô thị khoảng 400 – 600 ha.
  • Đô thị Tuy Phước : Là đô thị huyện lỵ huyện Tuy Phước, phát triển không gian gắn với đô thị Diêu Trì, cung cấp các dịch vụ hành chính, nhà ở, dịch vụ an sinh xã hội, trung tâm hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2035, dân số khoảng 20.000 – 23.000 người, đất xây dựng đô thị khoảng 300 – 400 ha.

Phát triển 02 cụm Logistic tại các khu vực cửa ngõ đô thị

  • Cụm phía Bắc – Logistic số 1 : Là tiền cảng của cảng Quy Nhơn, đặt tại khu vực cầu Gành, xã Phước Lộc, giao điểm của các trục giao thông quan trọng như đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A, quốc lộ 19, kết nối Bắc Nam đi Quảng Ngãi và Phú Yên, kết nối Đông Tây đi Pleiku – vùng Tây Nguyên ra biển Đông; gắn kết với tuyến công nghiệp Nam quốc lộ 19. Hình thành điểm dân cư tập trung xã Phước Lộc quy mô khoảng 15.000 – 19.000 người.
  • Cụm phía Tây Nam – Logistic số 2 : Là khu trung chuyển hàng hóa khi tuyến cao tốc Bắc – Nam hình thành, đặt tại xã Canh Vinh, điểm kết nối giữa đường quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, kết nối với quốc lộ 19C đi Phú Yên và Đắk Lắk. Hình thành điểm dân cư tập trung gắn với trung tâm trung chuyển hàng hóa thuộc xã Canh Vinh quy mô khoảng 9.000 – 10.000 người.

+ Khu dự trữ phát triển : Thuộc các xã Phước An, Phước Thành, Phước Lộc huyện Tuy Phước (phía Tây Nam thành phố Quy Nhơn).

Định hướng phát triển nông thôn

  • Phát triển mô hình “nông nghiệp – đô thị”, duy trì hệ sinh thái nông – lâm – ngư nghiệp hiện hữu, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao. Nâng cấp các trung tâm xã hiện hữu theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Các điểm dân cư nông thôn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, được tiếp cận nhiều tiện ích đô thị và có khả năng đối phó với biến đổi khí hậu.
  • Dân số nông thôn năm 2025 khoảng 175.000 người, năm 2035 khoảng 150.000 người. Đất xây dựng nông thôn năm 2025 khoảng 3.200 ha, năm 2035 khoảng 2.900 ha.
  • Các xã nông thôn thuộc vùng ngập lũ huyện Tuy Phước: Hình thành điểm dân cư nông thôn tập trung quy mô khoảng 5.000 – 6.000 người/01 điểm tại xã Phước Sơn và Phước Hòa cung cấp dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch sinh thái. Khu dân cư ven đầm Thị Nại, xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng gắn với các trang trại nuôi trồng thủy sản.
  • Các xã nông thôn phía Tây Nam thành phố Quy Nhơn (xã Phước An, Phước Thành huyện Tuy Phước và xã Canh Vinh, Canh Hiển huyện Vân Canh): Xây dựng mô hình làng nông thôn gắn với hoạt động kinh tế trang trại, cây công nghiệp, trang trại chăn nuôi, khu chế biến nông lâm sản, khu dịch vụ công nghiệp logistic…
  • Đảo Nhơn Châu là xã đảo, phát triển đánh bắt thủy sản, du lịch, là địa bàn có vị trí quan trọng bảo đảm an ninh quốc phòng tuyến biển.

Định hướng hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế

Hệ thống trung tâm hành chính, chính trị

Các cơ quan chính trị – hành chính của tỉnh Bình Định, thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước cơ bản giữ nguyên theo vị trí hiện hữu. Từng bước xây dựng trung tâm hành chính Tỉnh hiện đại, tập trung.

Định hướng phát triển công nghiệp Quy Nhơn

  • Khu công nghiệp Nhơn Hội phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và các ngành công nghiệp phụ trợ theo định hướng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  • Hoàn thiện khu công nghiệp Phú Tài khoảng 350 ha, khu công nghiệp Long Mỹ khoảng 110 ha sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp…
  • Chuyển đổi cụm công nghiệp Nhơn Bình, cụm tiểu thủ công nghiệp phường Quang Trung và các kho bãi, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong nội thành sang đất dân dụng.
  • Hình thành cụm công nghiệp Bùi Thị Xuân dọc quốc lộ 1A.

Định hướng phát triển hệ thống thương mại và dịch vụ

  • Khu trung tâm thành phố Quy Nhơn : Nâng cấp các trung tâm tài chính – chứng khoán, thương mại dịch vụ, siêu thị, chợ hiện có theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hình thành các tuyến, trục thương mại – du lịch – dịch vụ cao cấp ven bờ biển Quy Nhơn và các tuyến đường chính đô thị. Xây dựng trung tâm thương mại, tài chính ngân hàng… trên đường Nguyễn Tất Thành.
  • Khu kinh tế Nhơn Hội : Phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp chất lượng cao tại trung tâm khu đô thị mới Nhơn Hội phục vụ công nghiệp lọc hóa dầu – cảng biển Nhơn Hội.
  • Đô thị Diêu Trì : Xây dựng trung tâm thương mại, tài chính, tín dụng, ngân hàng, gắn với ga tổng hợp Quy Nhơn khoảng 10 – 20 ha.
  • Đô thị Tuy Phước và các trung tâm xã : Cải tạo và nâng cấp các chợ truyền thống, phát triển mở rộng các chợ đầu mối thu mua nông sản, trung tâm mua sắm – thương mại dịch vụ tổng hợp vừa và nhỏ.
  • Các khu vực đầu mối giao thông : Hình thành trung tâm dịch vụ, phân phối, trung chuyển hàng hóa tại Phước Lộc và Canh Vinh gắn với cụm Logistic, cảng Quy Nhơn, cảng Nhơn Hội, bến xe Quy Nhơn…

Định hướng phát triển dịch vụ du lịch

  • Trọng tâm là du lịch biển; du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch trải nghiệm là các sản phẩm bổ trợ. Tăng cường liên kết du lịch Bình Định – Phú Yên, phát triển Quy Nhơn và phụ cận thành trọng điểm du lịch lớn vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
  • Phát triển tuyến ven biển Quy Nhơn – Sông Cầu – Tam Quan để khai thác tối đa thế mạnh biển và ven biển, đảo của thành phố Quy Nhơn. Trong đó, trung tâm thành phố Quy Nhơn là khu du lịch trọng điểm của toàn vùng; Phương Mai – Núi Bà là khu du lịch trọng điểm quốc gia.
  • Ưu tiên xây dựng trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp, hiện đại bên vịnh Quy Nhơn. Xây dựng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ nghiên cứu khoa học – giáo dục tại Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng.
  • Xây dựng vùng du lịch cảnh quan sinh thái trọng điểm đầm Thị Nại, bảo tồn hệ sinh thái đầm và bảo tồn đa dạng sinh học đảo cồn Chim. Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, làng nghề gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử và cảnh quan núi, sông, hồ, nông – lâm nghiệp đặc sắc của Tuy Phước, Canh Vinh, Canh Hiển.
  • Xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy trên vịnh Quy Nhơn, sông Hà Thanh, đầm Thị Nại, Xây dựng các tuyến du lịch gắn với hành lang văn hóa – thiên nhiên theo tuyến Quy Nhơn – An Nhơn – Tây Sơn để khai thác tối đa thế mạnh vùng cảnh quan, di tích từ Đông sang Tây với các điểm du lịch nổi tiếng: Mũi Tấn, thành cổ, vùng di tích văn hóa Chăm.

Định hướng phát triển hệ thống đào tạo và giáo dục

  • Di dời các Trường Cao đẳng nghề Bình Định, Trường dạy nghề lái xe Quân khu 5, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và một phần cơ sở Đại học Quy Nhơn từ trung tâm Quy Nhơn ra khu vực Long Vân – Long Mỹ (phường Trần Quang Diệu).
  • Xây mới khu đại học tập trung quy mô khoảng 70 – 77 ha theo mô hình hiện đại, gồm tổ hợp các công trình về đào tạo – nghiên cứu – ứng dụng. Cơ sở hiện tại của Trường Đại học Quy Nhơn chuyển sang phục vụ đào tạo sau đại học và nghiên cứu. Xây mới trung tâm dạy nghề tại khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích khoảng 15 ha.
  • Xây mới Khu đô thị khoa học – giáo dục Quy Hòa tại phường Ghềnh Ráng.
  • Hệ thống trường phổ thông và trường mầm non phát triển theo hướng chuẩn quốc gia. Khuyến khích đầu tư xây dựng trường phổ thông đạt tiêu chuẩn chất quốc tế.

Định hướng phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

  • Giữ nguyên vị trí Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa thành phố Quy Nhơn. Di chuyển Bệnh viện Quân y 13 ra ngoài khu vực trung tâm thành phố Quy Nhơn để chuyển đổi chức năng sử dụng đất sang đất dân dụng.
  • Xây dựng mới bệnh viện quy mô 40 ha tại phường Trần Quang Diệu, là tổ hợp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao và nghiên cứu khoa học ngành y.
  • Di dời cơ sở điều trị bệnh phong ra khỏi khu vực Quy Hòa, xây dựng mới cơ sở chữa trị bệnh phong tại khu vực phía Tây thành phố quy mô 18 – 20 ha.
  • Nâng cấp cơ sở vật chất và trang bị khám chữa bệnh đối với các bệnh viện của Trung ương và của Tỉnh để phục vụ khám chữa trị cho nhân dân các địa phương trong vùng như: Bệnh viện sốt rét và ký sinh trùng, Bệnh viện chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện da liễu Trung ương, Bệnh viện mắt của Tỉnh; xây dựng mới Bệnh viện sản – nhi, Bệnh viện bệnh phổi, Bệnh viện lão khoa…
  • Hoàn chỉnh mạng lưới công trình y tế theo tầng bậc ở khu vực đô thị và các điểm dân cư nông thôn.

Định hướng phát triển công trình văn hóa

  • Cải tạo chỉnh trang các trung tâm văn hóa hiện hữu trong khu trung tâm thành phố Quy Nhơn.
  • Xây dựng mới bảo tàng tổng hợp tại vị trí Nhà Văn hóa lao động tỉnh.
  • Bố trí Nhà Văn hóa lao động mới tại khu đô thị hồ Phú Hòa.
  • Xây dựng bảo tàng văn hóa Chăm.
  • Xây dựng Trung tâm hội nghị Tỉnh trên trục đường Nguyễn Tất Thành. Thiết lập hệ thống quảng trường văn hóa, không gian giao lưu cộng đồng, các không gian đi bộ gắn kết với các khu công viên, cây xanh, không gian công cộng thành phố.

Định hướng phát triển công viên cây xanh, công trình thể dục thể thao

  • Nâng cấp các sân vận động hiện có phục vụ cấp khu vực. Xây dựng mới khu liên hợp thể dục thể thao tại phường Bùi Thị Xuân, khu thể dục thể thao trong nhà tại khu vực hồ Phú Hòa… Mở rộng quảng trường Chiến Thắng trên đường Xuân Diệu.
  • Chỉnh trang các khu công viên cây xanh hiện hữu trong trung tâm thành phố Quy Nhơn. Nâng cấp cải tạo hệ thống công viên ven biển.
  • Xây dựng mới các công viên chuyên đề phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, tham quan du lịch bao gồm: Công viên – lâm viên núi Bà Hỏa; công viên hồ Phú Hòa; công viên vui chơi, giải trí hồ Bàu Lát; công viên Diêu Trì; công viên đô thị mới Nhơn Hội; công viên sinh thái dọc các nhánh sông Hà Thanh và sông Côn; dải cây xanh ven đường Quy Nhơn – cầu Thị Nại. Bố trí các khu cây xanh, vườn hoa trong đô thị.

Quy hoạch Thiết kế đô thị thành phố Quy Nhơn

Định hướng thiết kế đô thị tổng thể

  • Xây dựng thương hiệu “đô thị biển Quy Nhơn”, thành phố hấp dẫn khách du lịch với cảnh quan thiên nhiên phong phú, mang đậm dấu ấn lịch sử và bản sắc văn hóa; có môi trường sống, học tập, đầu tư chất lượng cao.
  • Khu trung tâm hiện hữu Quy Nhơn, trung tâm động lực mới Diêu Trì – Trần Quang Khải, khu đô thị Nhơn Hội xây dựng mô hình đô thị nén, mật độ xây dựng cao. Các khu dân cư, các công trình chức năng nằm trong vùng ngập lũ đồng bằng Tuy Phước, dọc sông Côn và sông Hà Thanh xây dựng mô hình sinh thái mật độ thấp. Công trình cao tầng bố trí đan xen tại các trung tâm đô thị, các tuyến đường chính đô thị, dải ven biển Quy Nhơn.
  • Xây dựng cảnh quan các tuyến đường chính đô thị, như tuyến Xuân Diệu – An Dương Vương, đường Nguyễn Tất Thành, Ngô Mây, Trần Hưng Đạo; các tuyến quốc lộ, đường tỉnh…, công trình kiến trúc điểm nhấn tại các khu trung tâm và khu vực cửa ngõ đô thị.

Hướng dẫn thiết kế đô thị các khu vực trọng điểm

  • Trung tâm biển Quy Nhơn : Chỉnh trang tạo diện mạo không gian cảnh quan mới dọc bờ biển Quy Nhơn. Kiến trúc trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại, giải trí, quảng trường công cộng, công viên… gắn với văn hóa bản địa, hài hòa với biển Quy Nhơn. Tăng thêm không gian sinh hoạt cộng đồng. Tổ chức các công trình điểm nhấn xung quanh các quảng trường đô thị và không gian mở, tạo lập các tuyến đi bộ và không gian sinh hoạt cộng đồng hướng ra bờ biển. Trung tâm thương mại – dịch vụ – du lịch cao cấp Nguyễn Tất Thành liên kết các chức năng công cộng chính của thành phố hài hòa với không gian biển.
  • Khu vực núi Bà Hỏa và lân cận, trồng rừng cảnh quan, hình thành tuyến đi bộ ngắm cảnh, khai thác hiệu quả tầm nhìn từ núi hướng ra vịnh Quy Nhơn.
  • Trung tâm động lực mới (đô thị Diêu Trì và các phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân): Xây dựng trung tâm giao thương hiện đại cửa ngõ thành phố Quy Nhơn tại thị trấn Diêu Trì. Xây dựng công viên ven sông Hà Thanh là biểu tượng phát triển thành phố Quy Nhơn; đảm bảo hành lang thoát lũ.
  • Đô thị Tuy Phước: Xây dựng theo mô hình đô thị sinh thái, tăng mật độ cây xanh và mặt nước, hài hòa với vùng ngập lũ Tuy Phước.
  • Khu vực phường Nhơn Bình, Nhơn Phú: Xây dựng khu dân cư theo hướng đô thị xanh, mật độ thấp, tăng năng lực thoát nước trên các nhánh sông Hà Thanh như: Sông Trường Úc, sông Ngang, sông Cát, sông Dinh và sông Cây Me. Hình thành mới các trung tâm dịch vụ đô thị về văn hóa, giải trí, có kiến trúc cảnh quan phù hợp với khung cảnh thiên nhiên.
  • Bảo vệ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái đầm Thị Nại, đảo cồn Chim. Kiểm soát phát triển dân cư, khai thác nuôi trồng thủy sản và các vùng sinh thái cửa sông nối với đầm. Tạo lập vành đai xanh ngăn cách với khu kinh tế Nhơn Hội, phục hồi rừng ngập mặn gắn với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Xây dựng hệ thống các điểm dịch vụ sinh thái, bến thuyền nhỏ gắn với làng du lịch cộng đồng ven đầm Thị Nại.

Bản đồ quy hoạch mạng lưới giao thông thành phố Quy Nhơn

Định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông:

Quy hoạch giao thông đường bộ

  • Tuyến cao tốc Bắc – Nam, đường tuần tra ven biển, hầm đường bộ qua đèo Cù Mông (thực hiện theo quy hoạch, dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt).
  • Nâng cấp quốc lộ 1A, 1D, 19B, 19C lên tiêu chuẩn đường chính đô thị đoạn qua thành phố Quy Nhơn.
  • Hoàn thiện dự án tuyến đường quốc lộ 19 kết nối khu kinh tế Nhơn Hội, cảng Quy Nhơn đi quốc lộ 1A.
  • Xây dựng mới đường tránh quốc lộ 1A đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng.

Quy hoạch giao thông đường sắt

  • Dành quỹ đất dự trữ tạo hành lang xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong tương lai.
  • Nâng cấp, mở rộng ga Diêu Trì trở thành trung tâm vận chuyển hành khách đa phương tiện khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hình thành.

Quy hoạch giao thông đường không

Sân bay Phù Cát được nâng cấp theo quy hoạch ngành được phê duyệt.

Quy hoạch giao thông đường thủy

Thực hiện theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030. Xây dựng mới cảng Nhơn Hội là cảng chuyên dùng, phục vụ trực tiếp cơ sở công nghiệp, dịch vụ có quy mô lớn. Cảng cá Thị Nại di dời đến đầm Đề Gi kết hợp với nơi tránh trú bão cho tàu cá.

Hình thành các bến thuyền du lịch ven đầm Thị Nại, phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế.

Các đầu mối phát triển Logistic (khu vực tiền cảng): Xây dựng 2 khu vực phát triển Logistic gắn với các đầu mối giao thông quan trọng.

  • Khu vực 1 là đầu mối giao quốc lộ 1A và quốc lộ 19 tại cầu Gành, xã Phước Lộc.
  • Khu vực 2 tại nút giao quốc lộ 19C với đường bộ cao tốc Bắc Nam tại xã Canh Vinh.

Giao thông đô thị thành phố Quy Nhơn Bình Định

  • Khu kinh tế Nhơn Hội: Giữ nguyên cấu trúc hệ thống giao thông đô thị.
  • Khu vực thành phố Quy Nhơn: Xây dựng và quản lý xây dựng hai bên tuyến đường dọc 2 bên sông Hà Thanh nhằm giảm thiểu việc ngăn cản dòng chảy, tạo hành lang an toàn thoát lũ.
  • Giao thông chính đô thị: Hình thành tuyến trục chính Điện Biên Phủ kết nối đường Trần Hưng Đạo với quốc lộ 1D. Cải tạo và xây mới các tuyến liên khu vực. Kết nối quốc lộ 19C đi qua Long Mỹ – Bùi Thị Xuân vào trung tâm thành phố bằng tuyến đường hầm qua núi Vũng Chua. Kết nối khu vực trung tâm thành phố Quy Nhơn với Khu đô thị khoa học – giáo dục Quy Hòa bằng tuyến đường hầm qua đèo Quy Hòa.
  • Xây dựng mới các tuyến chính khu vực, kết nối các khu chức năng trong thành phố, quy mô mặt cắt ngang từ 24 – 28 m. Các tuyến đường khu vực xây dựng mới có quy mô từ 15 – 20 m. Các tuyến giao thông theo hướng Bắc Nam qua hành lang thoát lũ đều phải xây dựng cầu cạn vượt lũ, khẩu độ tính toán bảo đảm tần suất thoát lũ P = 1%.
  • Xây dựng mới cầu Thị Nại 2 quy mô 4 làn xe song song với cầu Thị Nại 1 hiện hữu. Xây dựng cầu Thị Nại 3 quy mô 4 làn xe kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với trung tâm xã Phước Sơn ra quốc lộ 1A. Xây dựng cầu Thị Nại 4, quy mô 4 làn xe từ Khu kinh tế Nhơn Hội kết nối với xã Phước Hòa và thị xã An Nhơn.
  • Hệ thống bến xe, bãi đỗ xe: Duy trì bến xe hiện hữu với quy mô 4,3 ha. Xây dựng mới hai bến xe khách tại khu vực ga Diêu Trì và tại Khu kinh tế Nhơn Hội, quy mô từ 3 – 5 ha/mỗi bến.

Hình thành 5 bến xe tải:

  • Bến thứ 1 tại điểm Logistic Canh Vinh
  • Bến thứ 2 tại khu công nghiệp Phú Tài
  • Bến thứ 3 dùng chung với bến xe khách gần ga Diêu Trì
  • Bến thứ 4 tại điểm Logistic Phước Lộc
  • Bến thứ 5 dùng chung với bến xe khách tại khu kinh tế Nhơn Hội. Quy mô mỗi bến từ 3 – 5 ha.

Giao thông công cộng : Phát triển hệ thống giao thông xe buýt hiện có kết hợp tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối các khu Logistic, khu phát triển mới với trung tâm thành phố và khu đô thị mới Nhơn Hội.

Giao thông nông thôn: Nâng cấp các tuyến đường tỉnh ĐT636A, ĐT636B, ĐT640 đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Riêng đối với đường tỉnh ĐT640 xây dựng hệ thống cầu cạn vượt lũ cho các khu vực được xác định là hành lang thoát lũ. Nâng cấp các tuyến đường huyện hiện có lên tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng.

Những dự án ưu tiên đầu tư tại Quy Nhơn

  • Chương trình xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận.
  • Tái cấu trúc khu trung tâm Quy Nhơn.
  • Phát triển trung tâm động lực mới Diêu Trì, Trần Quang Diệu.
  • Phát triển các trung tâm dịch vụ khu logistic – tiền cảng tại Phước Lộc, Canh Vinh.
  • Xây dựng mô hình “Nông nghiệp – đô thị”.
  • Đầu tư và phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội.
  • Chiến lược quảng bá hình ảnh đô thị “Hành lang văn hóa – thiên nhiên”.
  • Phát triển đô thị Khoa học – Giáo dục Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng.

Giai đoạn đến năm 2025 : Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật chính

Hạ tầng kỹ thuật

  • Nâng cấp cảng Quy Nhơn và sân bay Phù Cát. Nâng cấp quốc lộ 19C, quốc lộ 19B nối sân bay Phù Cát với Khu kinh tế Nhơn Hội, đường tỉnh ĐT640. Xây dựng mới cầu Thị Nại 2, đường chính phía Bắc và phía Nam Quy Nhơn.
  • Khơi thông dòng chảy các tuyến sông trên hệ thống sông Côn và sông Hà Thanh, tuyến đê kép tại khu phát triển mới.
  • Xây dựng mới nhà máy nước Hà Thanh công suất 30.000 m³/ngày đêm, Nhơn Hội công suất 20.000 m³/ngày đêm và Nhơn Bình công suất 60.000 m³/ngày đêm. Cải tạo, nâng cấp nhà máy nước Tuy Phước lên công suất 3.000 m³/ngày đêm và trạm tăng áp Long Mỹ lên công suất 4.000 m³/ngày đêm.
  • Xây dựng mới trạm bơm nước thô tại đập Văn Mối cấp cho Khu kinh tế Nhơn Hội công suất 190.000 m³/ngày đêm. Lắp đặt mạng lưới cấp nước sạch cho khu vực dự kiến phát triển giai đoạn đầu và mạng lưới cấp nước thô cho khu lọc hóa dầu.
  • Xây dựng mới trạm 220 kV Nhơn Hội công suất 250 MVA và trạm 110 kV Đống Đa công suất 63 MVA. Xây dựng mới tuyến 220kV Phú Tài – Nhơn Hội. Cải tạo hạ ngầm mạng lưới trung thế tại trung tâm thành phố Quy Nhơn.
  • Xây dựng trạm xử lý nước thải số 1 công suất 31.000 m³/ngày, trạm xử lý nước thải số 2 công suất 4.200 m³/ngày phục vụ khu trung tâm thành phố Quy Nhơn. Xây dựng nghĩa trang quy mô 68 ha tại phường Bùi Thị Xuân.

Hạ tầng kinh tế

  • Xây dựng hạ tầng khung cho dự án lọc hóa dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội. Xây dựng mới khu Logistic số 1 và ga hàng hóa tại xã Phước Lộc.
  • Xây dựng khu du lịch Hải Giang, khu du lịch Vĩnh Hội. Quy hoạch du lịch sinh thái khu vực đầm Thị Nại. Quy hoạch hệ thống mạng lưới di tích văn hóa ChămPa gắn với bảo tồn và phát triển du lịch.
  • Xây dựng hoàn thiện khu trung tâm dịch vụ thương mại gắn với phát triển du lịch trên trục đường Nguyễn Tất Thành. Xây dựng trung tâm thương mại tại các khu đô thị mới.

Hạ tầng xã hội

  • Xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm đào tạo – y tế chất lượng cao tại Long Vân – Long Mỹ.
  • Xây dựng nhà văn hóa lao động, bảo tàng tổng hợp và bảo tàng văn hóa Chăm. Xây dựng mới khu liên hợp thể dục thể thao tại Long Vân – Long Mỹ.
  • Hoàn thiện quảng trường trung tâm thành phố. Nâng cấp và xây mới các công viên: Công viên ven biển, công viên hồ Phú Hòa, công viên núi Bà Hỏa, công viên hồ Bàu Lác.

Phát triển đô thị và nông thôn

  • Chuẩn bị kế hoạch di dời các cơ sở có chức năng không phù hợp từ trung tâm Quy Nhơn ra bên ngoài.
  • Xây dựng các khu đô thị Long Vân – Long Mỹ, hồ Phú Hòa, Nhơn Hội và Quy Hòa.
  • Xây dựng 02 khu dân cư tập trung Phước Hòa, Phước Sơn. Triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các xã.

Giai đoạn đến năm 2035 : Chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch và dịch vụ

  • Hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung giai đoạn đến năm 2025, xây dựng tuyến cao tốc Bắc Nam. Xây mới khu logistic số 2 và ga hàng hóa tại xã Canh Vinh.
  • Tái thiết bộ mặt đô thị ven biển, trung tâm dịch vụ du lịch chất lượng cao. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng xây dựng trung tâm mới tại Diêu Trì.

Xem thêm : Quy hoạch Việt Nam

Quan tâm đầu tư : Dự án ở Hà Nội | Dự án ở Bình Dương | Dự án ở Đồng Nai | Dự án ở Quảng Ninh

+ bản đồ quy hoạch chung quy nhơn
+ bản đồ quy hoạch đất quy nhơn
+ bản đồ quy hoạch quy nhơn
+ bản đồ quy hoạch quy nhơn 2035
+ bản đồ quy hoạch đô thị quy nhơn
+ bản đồ quy hoạch giao thông quy nhơn
+ bản đồ quy hoạch thành phố quy nhơn
+ bản đồ quy hoạch chung thành phố quy nhơn
+ bản đồ quy hoạch tp quy nhơn

Rate this post
Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Share on whatsapp
WhatsApp
Scroll to Top