Bản đồ quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến 2030 tầm nhìn 2050

Ngày 4 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng chính phủ ký quyết định phê duyệt điều chỉnh bản đồ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050 với nội dung chủ yếu sau :

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Nẵng

Đà Nẵng là một thành phố trực thuộc trung ương, nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, là thành phố trung tâm và lớn nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Phạm vi điều chỉnh bao gồm 6 quận nội thành và hai huyện Hòa Vang, Hoàng Sa với tổng diện tích 128.543 ha (trong đó diện tích phần đất liền là 98.043 ha, phần diện tích quần đảo Hoàng Sa là 30.500 ha). Ranh giới được xác định như sau:

  • Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Phía Nam và Tây giáp tỉnh Quảng Nam.
  • Phía Đông giáp Biển Đông.
bản đồ quy hoạch Đà Nẵng
Một góc thành phố Đà Nẵng – Bản đồ quy hoạch Đà Nẵng

Tính chất quy hoạch Đà Nẵng

  • Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
  • Là trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
  • Là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế.
  • Là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Tầm nhìn 2050 : Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm : Danh sách dự án khu đô thị mới tại Đà Nẵng

Quy hoạch định hướng phát triển không gian thành phố Đà Nẵng

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Đà Nẵng
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Đà Nẵng

 Phân vùng phát triển TP Đà Nẵng

  • Khu vực đô thị cũ : Có diện tích khoảng 3.264 ha; bao gồm các phường: Vĩnh Trung, Thạc Gián, Tân Chính, Chính Gián, Hòa Khê cùng các phường Hải Châu I, Hải Châu II, Thạch Thang, Thanh Bình, Thuận Phước, Bình Thuận, Hoà Thuận, Nam Dương, Phước Ninh, Bình Hiên, Hoà Cường và phường Khuê Trung (thuộc quận Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ).
  • Khu ven biển Tây Bắc Đà Nẵng : Có diện tích khoảng 3.647 ha; bao gồm các phường: An Khê, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà, Tam Thuận, cùng các phường Hòa Minh, một phần phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, và Hòa Hiệp Nam (thuộc quận Thanh Khê, Liên Chiểu).
  • Khu ven biển phía Đông Đà Nẵng : Có diện tích khoảng 3.331 ha; bao gồm các phường: An Hải Bắc, An Hải Đông, An Hải Tây, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, Thọ Quang, cùng các phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải (thuộc quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn).
  • Khu vực phía Tây Đà Nẵng : Có diện tích khoảng 13.606 ha; bao gồm các phường: Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh (thuộc quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu), cùng một phần các xã Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên và xã Hòa Sơn thuộc huyện Hòa Vang.
  • Khu vực bán đảo Sơn Trà : Có diện tích khoảng 4.439 ha; thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
  • Khu vực phía Nam Đà Nẵng : Có diện tích khoảng 9.075 ha; bao gồm các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước huyện Hòa Vang và phường Hòa Quý, Hòa Xuân thuộc quận Ngũ Hành Sơn.
  • Khu vực đồi núi phía Tây và huyện đảo Hoàng Sa : Có diện tích khoảng 91.181 ha, bao gồm đất lâm nghiệp (rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn), rừng bảo tồn tự nhiên và hải đảo.

Định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng

Khu vực đô thị cũ

Là trung tâm lịch sử truyền thống, tập trung chủ yếu các cơ quan ban ngành và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và giáo dục của thành phố Đà Nẵng; các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung.

Xây dựng, cải tạo khu trung tâm đô thị tập trung theo hướng phát huy vai trò, vị trí, chức năng là trung tâm giao lưu của Đà Nẵng về thương mại dịch vụ, văn hóa du lịch, khoa học – công nghệ, giáo dục và đào tạo…

Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 466.000 người, đến năm 2030 khoảng 543.980 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 2.800 ha, đến năm 2030 khoảng 3.264 ha.

Khu ven biển Tây Bắc Đà Nẵng

Phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại dịch vụ, giao thông vận tải và kinh tế biển, phát triển các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung mật độ trung bình.

Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 149.700 người, đến năm 2030 khoảng 280.000 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 1.946 ha, năm 2030 khoảng 3.647 ha.

Khu ven biển phía Đông Đà Nẵng

Có vị trí thuận lợi về phát triển kinh tế và du lịch, nghỉ dưỡng; giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của thành phố, là đầu mối giao thông quan trọng về vận tải; phát triển các lĩnh vực bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục đào tạo.

Khu vực ven biển Đông từ Sơn Trà đến Non Nước phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, công viên nhà hàng ăn uống, các khu vui chơi giải trí; trục Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn đến Trần Đại Nghĩa phát triển các văn phòng cho thuê.

Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 104.500 người, năm 2030 khoảng 195.930 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 1.770 ha, năm 2030 khoảng 3.331 ha.

Khu vực phía Tây Đà Nẵng

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 315.200 người, đến năm 2030 khoảng 680.300 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 6.305 ha, năm 2030 khoảng 13.606 ha.

Khu vực bán đảo Sơn Trà

Là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm. Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn tự nhiên tại các khu vực dưới chân bán đảo Sơn Trà.

Khu vực phía Nam Đà Nẵng

Hình thành và phát triển đô thị gắn với bảo tồn, lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa, hình thành các khu đô thị du lịch sinh thái, các khu nhà vườn, nhà cổ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên mang nét làng quê truyền thống. Đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo và thể dục thể thao cấp quốc gia.

Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 342.670 người, đến năm 2030 khoảng 797.050 người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 4.843 ha, đến năm 2030 khoảng 9.076 ha.

Khu vực đồi núi phía Tây và huyện Hoàng Sa

Là khu vực có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Khu vực đồi núi phía Tây có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, điều tiết các dòng chảy, bảo vệ các công trình hồ chứa nước, hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn. Đây là khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Huyện đảo Hoàng Sa là khu vực có ý nghĩa quan trọng về kinh tế biển và quốc phòng an ninh quốc gia.

Định hướng phát triển hệ thống các trung tâm chuyên ngành tại Đà Nẵng

  • Trung tâm hành chính – chính trị của thành phố có diện tích khoảng 20 ha bố trí tại các trục đường Trần Phú, Bạch Đằng, Quang Trung, Lý Tự Trọng, Lê Lợi, Lê Hồng Phong. Trung tâm hành chính – chính trị của các quận, huyện có diện tích khoảng 128 ha.
  • Trung tâm văn hóa tổng diện tích khoảng 550 ha. Trung tâm văn hóa cấp vùng bố trí tại phường Hòa Cường, quận Hải Châu. Trung tâm văn hóa cấp thành phố ở quận Cẩm Lệ, Hải Châu và Ngũ Hành Sơn và các trung tâm văn hóa cấp quận, huyện.
  • Trung tâm y tế tổng diện tích khoảng 231 ha. Trung tâm y tế cấp vùng, quốc gia bố trí ở khu đô thị cũ thuộc quận Hải Châu; Trung tâm y tế đa khoa và các trung tâm y tế chuyên khoa cấp thành phố bố trí tại quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn; Trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa và y tế dự phòng của các quận, huyện bố trí theo các khu đô thị có bán kính phục vụ phù hợp.
  • Trung tâm giáo dục – đào tạo tổng diện tích khoảng 1.996 ha. Các trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng, quốc gia và quốc tế bố trí tại khu vực làng đại học mới tại Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn. Các cơ sở đào tạo đại học, đào tạo nghề được bố trí tại các vùng đô thị truyền thống và phân tán.
  • Trung tâm thể dục – thể thao tổng diện tích khoảng 491 ha. Các trung tâm thể dục – thể thao cấp vùng, cấp quốc gia bố trí tại phía Bắc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn; Các trung tâm thể dục – thể thao hiện có tại các điểm dân cư trên địa bàn thành phố được cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa.
  • Trung tâm nghiên cứu khoa học có diện tích khoảng 145 ha, bố trí tại quận Hải Châu, huyện Hòa Vang.
  • Trung tâm công nghệ – bưu chính viễn thông có Diện tích khoảng 4 ha, bố trí tại phường Hòa Cường (quận Hải Châu), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn).
  • Trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính – ngân hàng: Diện tích khoảng 130 ha; đầu tư phát triển mới các trung tâm thương mại, siêu thị tại các khu trung tâm, khu đô thị, xây dựng trung tâm thương mại phức hợp cấp quốc tế tại sân vận động Chi Lăng (quận Hải Châu); khu phức hợp thương mại, văn phòng tại đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà). Xây dựng khu trung tâm thương mại tài chính ngân hàng tại các trục đường Nguyễn Văn Linh, khu vực trung tâm phố cũ Hùng Vương, Lê Duẩn… (quận Hải Châu), Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà). Nâng cấp trung tâm thương mại chợ Hàn, chợ Cồn. Bố trí quỹ đất và đầu tư phát triển hệ thống tổng kho bãi logistics, kho dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa nội địa.
  • Trung tâm dịch vụ du lịch có tổng diện tích khoảng 3.700 ha, gồm có: Dịch vụ du lịch biển (các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống khách sạn, dịch vụ du lịch) bố trí từ khu vực bán đảo Sơn Trà đến giáp Quảng Nam, phát triển khu vực du lịch biển Xuân Thiều – mỏm Nam Ô – sông Trường Định – đèo Hải Vân; Du lịch sinh thái sông, hồ bố trí dọc các sông Hàn – Vĩnh Điện – Cẩm Lệ, Cổ Cò, Cu Đê, hồ Đồng Nghệ. Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên núi bố trí tại quần thể khu du lịch Bà Nà, Suối Mơ; phía nam đèo Hải Vân, khu du lịch Làng Vân. Du lịch di tích lịch sử tập trung ở khu công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, khu di tích K20, bảo tàng cổ Viện Chàm, khu di tích Nghĩa Trũng Khuê Trung, khu di tích thành Điện Hải…
  • Định hướng phát triển các sân golf : Thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam.

Định hướng phát triển không gian các khu dân cư đô thị Đà Nẵng

  • Các khu ở đô thị chỉnh trang và phát triển hỗn hợp : Diện tích khoảng 7.250 ha; tập trung chủ yếu ở 6 quận nội thành: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, một phần tại các khu dân cư trung tâm các đô thị ngoại thành thuộc các xã Hòa Tiến, Hòa Châu.
  • Các khu ở đô thị tập trung mật độ cao : Tập trung chủ yếu tại 2 khu đô thị Hải Châu, Thanh Khê; đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị, kết hợp với xây dựng thêm các khu chung cư cao tầng theo hướng phát triển đô thị nén.
  • Các khu ở nhà vườn mật độ thấp : Phân bố tại vùng ven của trung tâm các khu đô thị, bao gồm các khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Hòa Quý, khu đô thị sinh thái Golden Hill và các khu đô thị sinh thái dọc theo các con sông.
  • Từng bước đưa các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, kho tàng xen lẫn các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra các khu, cụm công nghiệp tập trung, đồng thời chuyển đổi chức năng những khu đất này thành đất phục vụ phát triển đô thị.

Định hướng phát triển không gian các khu dân cư nông thôn

  • Khu ở nông thôn có diện tích khoảng 2.600 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Hòa Vang, bao gồm các làng nghề truyền thống cải tạo chỉnh trang, các làng nghề mới mở rộng, gắn liền với các trục giao thông thủy – bộ, các khu nhà vườn gắn kết với các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái.
  • Liên kết giữa vùng đô thị và nông thôn: Các điểm dân cư trung tâm xã khu vực nông thôn được xây dựng, cải tạo đảm bảo yêu cầu tập trung dân cư cao, với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết nối với các khu vực đô thị.

Định hướng không gian cây xanh cảnh quan

Có quy mô diện tích khoảng 1.750 ha; bao gồm:

  • Các công viên, vườn hoa hiện hữu; các không gian xanh ven biển.
  • Xây dựng công viên Châu Á tại khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm, công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn.
  • Xây dựng công viên Đại Dương tại khu vực Nam bán đảo Sơn Trà, công viên Bách thảo – Bách thú tại Hòa Vang…
  • Các vườn hoa trong các khu đô thị và các khu dân cư.
  • Các không gian xanh mở bao gồm những khu vườn, công viên, cây xanh trên các trục đường chính trong đô thị, dọc theo bờ biển, bờ sông…
  • Hình thành không gian mở tại các khu vực hồ, đầm lớn…

Định hướng không gian phát triển công nghiệp Đà Nẵng

  • Các khu công nghiệp tập trung gồm các khu: Khu công nghiệp Liên Chiểu (370 ha); Khu công nghiệp Hòa Khánh (423,5 ha) Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng với diện tích (124 ha); Khu công nghiệp Hoà Cầm (136,7 ha) Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang (77,3 ha); Cụm công nghiệp Thanh Vinh (17,23 ha).
  • Phát triển các ngành công nghiệp sạch, có kỹ thuật cao để không ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch và môi trường khu vực.
  • Bố trí các cụm tiểu thủ công nghiệp tại vị trí phù hợp trong khu vực các quận và đô thị thuộc huyện.

Định hướng đầu mối hạ tầng kỹ thuật

  • Cảng hàng không: Nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng, từng bước chuyển thành, sân bay dân dụng thuần túy.
  • Ga đường sắt: Tiếp tục định hướng xây dựng ga đường sắt mới nhằm chuyển hệ thống đường sắt ra ngoài trung tâm thành phố, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch đường sắt Việt Nam. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu vực ga đường sắt cũ thành đất phục vụ phát triển đô thị.
  • Hệ thống cảng tổng hợp, cảng du lịch: Phát triển cảng Liên Chiểu, nâng cấp cảng Tiên Sa; chuyển đổi công năng cảng sông Hàn thành cảng phục vụ du lịch.
  • Các nhà máy cấp nước – điện, các khu xử lý rác thải, trạm xử lý nước thải, các khu nghĩa trang: Bố trí đồng bộ và hiện đại phù hợp với bán kính phục vụ của các khu đô thị.

Quy hoạch giao thông thành phố Đà Nẵng

  • Quy hoạch giao thông đường bộ : Tiếp tục nâng cấp quốc lộ 1A (đoạn từ Quảng Nam đến Đà Nẵng), mở rộng tuyến đường tránh Nam hầm Hải Vân (giai đoạn 2), nâng cấp đường quốc lộ 14G đi Tây Giang (Quảng Nam). Từng bước chuyển quốc lộ 1A thành đường phố chính đô thị (đoạn từ cầu Nam Ô đến cầu vượt Hòa Cầm).
  • Quy hoạch giao thông đường sắt : Không nâng cấp ga kỹ thuật tàu hàng hóa Kim Liên. Di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm Thành phố, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch đường sắt Việt Nam.
  • Quy hoạch giao thông đường hàng không : Nâng cấp sân bay Đà Nẵng, từng bước đến năm 2020. Lượng hành khách tiếp nhận: 6.000.000 lượt hành khách/năm; lượng hàng hóa tiếp nhận: 200.000 tấn/năm; lượng hành khách giờ cao điểm: 3.000 hành khách/giờ cao điểm; đến năm 2030 mở rộng Ga hàng không quốc tế về phía Nam, đáp ứng cho 10-15 triệu khách/năm.
  • Quy hoạch giao thông đường thủy : Di chuyển cảng xăng dầu Mỹ Khê sang phía vịnh Đà Nẵng; xây dựng mới cảng Liên Chiểu; nâng cấp, mở rộng khu hậu cần cảng Tiên Sa với quy mô 5,5 triệu tấn/năm và 300.000 lượt khách/năm. Giao thông thủy nội địa: Xây dựng 7 bến thuyền tại các khu du lịch ven bán đảo Sơn Trà, 3 bến tại các bãi biển như: Phạm Văn Đồng, T20, Non Nước và 10 bến du thuyền dọc sông Hàn. Phối hợp với tỉnh Quảng Nam khơi thông nhánh sông Cổ Cò nhằm phục vụ du lịch đường thủy từ Đà Nẵng đi Hội An.
  • Xây dựng mới : Đường Vành đai phía Nam; đường Vành đai phía Tây (bắt đầu từ đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quốc đến đường Hồ Chí Minh); đường ven biển, ven sông: Xây dựng tuyến đường ven sông phía bắc sông Cu Đê và phía nam sông cầu Đỏ tạo thành các trục đường chính nối các khu đô thị ven sông; xây dựng đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà, đường Trục 1, 2 Tây Bắc, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường vào khu du lịch Làng Vân…
  • Hệ thống giao thông công cộng : Bao gồm 15 tuyến hành lang xe buýt, 8 tuyến hành lang BRT, 3 tuyến metro kết nối hầu hết với các khu du lịch lớn như: Bán đảo Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà, Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An… đồng thời kết nối với Làng Đại Học, các khu công nghiệp và trung tâm thành phố.
  • Bến bãi đỗ xe ô tô : Bao gồm 43 bãi đỗ xe tĩnh; bến xe ô tô liên tỉnh bố trí ở phía Bắc và phía Nam thành phố; các bến xe tải bố trí tại quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, huyện Hoà Vang.

Những dự án ưu tiên đầu tư tại Đà Nẵng

  • Y tế: Nâng cấp bệnh viện C Đà Nẵng; Trung tâm cấp cứu và phòng chống thảm họa tại khu vực quận Liên Chiểu.
  • Giáo dục đào tạo: Xây dựng và phát triển các làng Đại học Đà Nẵng.
  • Văn hóa thể thao: Xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao thành phố tại Hòa Xuân, Trung tâm văn hóa thông tin thành phố và thư viện thành phố, xây dựng hệ thống tượng đài, biểu trưng văn hóa, phù điêu…
  • Giao thông: Đường Nguyễn Tất Thành nối dài; đường Hoàng Văn Thái nối dài; đường vành đai phía Nam, vành đai phía Tây (đoạn còn lại); đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất; nút giao thông khác mức Ngã ba Huế; di dời ga đường sắt về Hòa Minh (quận Liên Chiểu); mở rộng ga hàng không Đà Nẵng; phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT; hoàn thành các dự án Phát triển bền vững (SCDP) do ngân hàng thế giới (WB) tài trợ.
  • Cấp nước: Xây dựng nhà máy nước Hòa Liên (240.000 m3/ngày), nhà máy nước cầu Đỏ 2 (80.000 m3/ngày); nâng công suất nhà máy nước cầu Đỏ (170.000 m3/ngày).
  • Cấp điện: Ngầm hóa lưới điện trung, cao thế trong một số khu vực nội thị nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị và tiết kiệm đất xây dựng.
  • Thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn: Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, Hòa Xuân; xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ hiện đại, quy mô 2.000 tấn/ngày đêm tại bãi rác Khánh Sơn.

Xem thêm : Thông tin Quy hoạch các thành phố tại Việt Nam

Quan tâm đầu tư : Dự án tại Hà Nội | Dự án tại Bình Dương | Dự án tại Đồng Nai | Dự án tại Quảng Ninh

+ bản đồ quy hoạch chung đà nẵng
+ bản đồ quy hoạch đà nẵng
+ bản đồ quy hoạch đà nẵng đến năm 2030
+ quy hoạch thành phố đà nẵng đến năm 2030
+ bản đồ quy hoạch thành phố đà nẵng
+ bản đồ quy hoạch tp đà nẵng
+ bản đồ quy hoạch tp đà nẵng mới nhất

Rate this post
Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Share on whatsapp
WhatsApp
Scroll to Top