Quy hoạch chung đô thị Tịnh Biên, tỉnh An Giang đến năm 2035, với các nội dung như sau :
Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch để nâng cấp huyện Tịnh Biên thành thị xã là toàn địa bàn huyện Tịnh Biên, theo ranh giới hành chính huyện với tổng diện tích đất tự nhiên là 35.467,9 ha:
- Phía Tây Bắc: Giáp Vương quốc Campuchia.
- Phía Đông Bắc: Giáp thành phố Châu Đốc và một phần huyện Châu Phú.
- Phía Tây Nam: Giáp một phần huyện Tri Tôn.
- Phía Đông Nam: Giáp một phần các huyện: Châu Thành, Châu Phú và Tri Tôn.
Phạm vi khu vực phát triển đô thị : Phạm vi quy hoạch khu vực phát triển đô thị (do sự kết nối tất yếu về mặt không gian giữa các thị trấn trong huyện theo quy luật đô thị hóa, phù hợp với nguồn lực thực hiện và tính khả thi của quy hoạch trong giai đoạn hiện nay), bao gồm thị trấn Tịnh Biên, thị trấn Nhà Bàng, thị trấn Chi Lăng và các xã: An Phú, Nhơn Hưng, Thới Sơn, Văn Giáo, Vĩnh Trung, Núi Voi. Với tổng diện tích đất khoảng 16.635,28 ha.
Tính chất quy hoạch đô thị Tịnh Biên
- Quy hoạch huyện Tịnh Biên là đô thị cửa khẩu giao thương quốc tế, có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.
- Là trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, thương mại, du lịch, công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển vùng phía Tây tỉnh An Giang.
- Là trung tâm du lịch tầm quốc gia; Một đô thị xanh, phát triển bền vững.
Mục tiêu lập quy hoạch huyện Tinh Biên tỉnh An Giang
- Xây dựng đô thị Tịnh Biên thành trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, thương mại, du lịch, công nghiệp; cụ thể hoá những định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh An Giang; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang; Đề án Quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Tịnh Biên; Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu An Giang; cũng như các quy hoạch chuyên ngành khác.
- Định hướng phát triển không gian đô thị, nông thôn trên địa bàn huyện Tịnh Biên theo từng lộ trình quy hoạch để thành lập thị xã Tịnh Biên; không gian đô thị Tịnh Biên luôn gắn với không gian quy hoạch xây dựng vùng huyện Tịnh Biên để không làm thay đổi cơ cấu quản lý hành chính cấp huyện (thị xã), cấp xã, phường (thị trấn) của tỉnh An Giang; phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện.
- Đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu đồng bộ quy hoạch sử dụng đất đai, không gian kiến trúc đô thị, nông thôn, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, cảnh quan trên cơ sở phân tích đánh giá khoa học nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, tối ưu hóa các nguồn lực tài chính, nhân lực, thị trường, văn hóa… làm cơ sở để chính quyền địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương về đầu tư xây dựng đô thị, nông thôn phát triển kinh tế – xã hội ổn định chính trị, an ninh
Quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị Tịnh Biên
Cấu trúc đô thị trong không gian vùng huyện Tịnh Biên (định hướng thành thị xã)
Cấu trúc đô thị Tịnh Biên trong không gian vùng huyện Tịnh Biên (định hướng thành thị xã) được hình thành trên cơ sở các hành lang và vành đai (03 hành lang và 01 vành đai) phát triển, gắn kết với 03 cực (trọng điểm phát triển đô thị) là Tịnh Biên, Nhà Bàng và Chi Lăng.
- Hành lang đô thị kết nối cửa khẩu (dọc QL91): Là hành lang kết nối Nhơn Hưng – Nhà Bàng – An Phú – Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, đây là hành lang phát triển đô thị chủ lực của huyện Tịnh Biên, đồng thời là hành lang tăng cường liên kết giữa huyện Tịnh Biên với Châu Đốc và các đô thị khác trong vùng cũng như với Campuchia.
- Hành lang đô thị sinh thái du lịch (dọc ĐT948): Là hành lang phát triển đô thị theo hướng mật độ thấp, sinh thái và phát triển một số khu chức năng du lịch tạo động lực phát triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch, phát triển vườn nông nghiệp đô thị, tăng cường liên kết Tịnh Biên với Tri Tôn.
- Hành lang biên giới: Là khoảng không gian dọc chiều dài biên giới của huyện Tịnh Biên từ đường biên giới quốc gia đến kênh Vĩnh Tế; phát triển chức năng kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp sinh thái.
- Vành đai nông nghiệp – du lịch: Là khu vực nông thôn của huyện Tịnh Biên; phát triển du lịch (Khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư,…), các khu dân cư nông thôn và nông nghiệp chất lượng cao.
Định hướng phát triển không gian đô thị
Gồm các phân khu:
Phân khu đô thị thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên
Bao gồm thị trấn Tịnh Biên, thị trấn Nhà Bàng và các xã An Phú, Nhơn Hưng. Diện tích khoảng 6.882,42 ha:
- Là khu kinh tế cửa khẩu tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiêu vùng sông Mekong, đặc biệt trong quan hệ với Campuchia; trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển kinh tế, phát triển đô thị của vùng biên giới Tây Bắc tỉnh An Giang.
- Định hướng phân khu chức năng: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên gồm các khu vực để quản lý là:
+ Khu đô thị trung tâm: Diện tích khoảng 2.289,33 ha, gồm: Khu vực thị trấn Tịnh Biên (Trung tâm hành chính đô thị, quản lý và kiểm soát cửa khẩu, khu phi thuế quan, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí và các khu ở); Khu vực thị trấn Nhà Bàng (Giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa – thể dục thể thao, du lịch – nghỉ dưỡng, cây xanh vườn hoa và các khu ở đô thị); Khu vực thuộc xã An Phú (đô thị sinh thái, xanh phục vụ du lịch tham quan, du lịch tâm linh).
+ Khu đô thị nêm xanh: Diện tích khoảng 2.287,96 ha. Là vùng đệm, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị. Chuyển đổi đất nông nghiệp năng suất thấp sang đất xây dựng các công trình hạ tầng, dịch vụ du lịch thấp tầng, xây dựng mật độ thấp.
+ Khu sinh thái nông nghiệp: Diện tích khoảng 506,13 ha. Là khu vực gìn giữ quỹ đất nông nghiệp, không phát triển sang các chức năng đô thị. Đối với các khu hiện hữu kiểm soát phát triển về xây dựng, quy mô dân số. Nâng cấp và bổ sung hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
+ Hành lang biên giới: Diện tích khoảng 1.799,01 ha. Là khoảng không gian dọc chiều dài biên giới của huyện Tịnh Biên từ đường biên giới quốc gia đến kênh Vĩnh Tế; phát triển nông nghiệp sinh thái.
Phân khu trung tâm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và du lịch
Bao gồm thị trấn Chi Lăng hiện hữu; một phần diện tích của xã Vĩnh Trung và xã Núi Voi. Diện tích khoảng 1.142,93 ha, là khu vực phát triển đô thị và các khu dân cư tập trung, đảm nhận vai trò trung tâm kinh tế thương mại – dịch vụ, công cộng, hỗ trợ sản xuất, dịch vụ du lịch và đầu mối hạ tầng kỹ thuật cho vùng nông thôn.
Phân khu Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư định thuộc xã Văn Giáo, diện tích khoảng 845 ha. Là khu bảo vệ cảnh quan thuộc hệ thống rừng đặc dụng. Phát triển các hoạt động du lịch sinh thái không phá vỡ môi trường tự nhiên để trở thành khu du lịch.
Phân khu sinh thái đô thị vườn
Bao gồm một phần diện tích của các xã Thới Sơn, Văn Giáo, Vĩnh Trung. Diện tích khoảng 2.344,12 ha.
- Là khu ở đô thị theo mô hình sinh thái, cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch như homestay, tham quan làng nghề truyền thống, trải nghiệm văn hóa, lễ hội địa phương, nông nghiệp sinh thái đô thị.
- Xây dựng các khu ở đô thị mới theo từng cụm, tạo sự kết nối các khu chức năng đô thị liên tục từ Nhà Bàng – Thới Sơn – Văn Giáo; duy trì và phát huy giá trị hệ sinh thái của khu vực, tạo thành các khoảng không gian xanh đan xen trong lòng đô thị có tác dụng điều hòa vi khí hậu, tiêu thoát nước.
Phân khu nông nghiệp sinh thái phục vụ đô thị
- Bao gồm một phần diện tích của các xã: Thới Sơn, Văn Giáo, Vĩnh Trung và Núi Voi. Diện tích tự nhiên khoảng 5.420,82 ha.
- Không phát triển thêm các khu dân cư mới. Đối với khu dân cư hiện có dọc tuyến đường Tây Trà Sư: Kiểm soát và tiến tới chấm dứt tình trạng xây cất nhà trên kênh, rạch. Tổ chức dân cư theo cách thức khai thác, kết hợp tốt giữa giao thông thủy và bộ. Tạo thành tuyến dân cư (1 lớp nhà) dọc đường giao thông.
Định hướng phát triển không gian khu vực nông thôn
Khu du lịch Núi Cấm
Thuộc xã An Hảo, diện tích khoảng 3.100 ha. Là khu du lịch quốc gia; khu du lịch hành hương, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng, bảo vệ cảnh quan rừng nhiệt đới. Giải tỏa điểm dân cư nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan Núi Cấm. Tái phục hồi và phát triển cảnh quan thiên nhiên, cây xanh đặc trưng vốn có của khu vực nhằm tạo nét đặc trưng riêng khu vực.
Vùng nông nghiệp sinh thái không ngập lũ
Thuộc khu vực xã An Cư. Diện tích khoảng 3.218,27 ha. Là khu vực sinh thái nông nghiệp, dân cư nông thôn. Kiểm soát và tiến tới chấm dứt tình trạng phát sinh các hộ dân tự phát ngoài khu dân cư tập trung, rải rác trên các trục đường. Cung cấp hạ tầng kỹ thuật đầy đủ.
Tại các cụm dân cư mới sẽ là không gian hỗ trợ phát triển nông nghiệp, phát huy mô hình ở truyền thông của đồng bào dân tộc Khmer. Không khai thác núi lấy đất phát triển đô thị, phát triển trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Vùng nông nghiệp sinh thái ngập lũ hàng năm
Thuộc các xã: Tân Lợi, An Hảo, Tân Lập. Diện tích khoảng 6.777,5 ha.
- Là khu vực sinh thái nông nghiệp, dân cư nông thôn sinh sống tập trung theo tuyến, ven các kênh rạch lớn.
- Kiểm soát và tiến tới chấm dứt tình trạng xây cất nhà trên kênh, rạch. Đối với dân cư khu vực bị ngập hàng năm sử dụng giải pháp: Tôn nền vượt lũ đối với các khu vực bố trí công trình công cộng của xã. Tổ chức dân cư theo cách thức khai thác, kết hợp tốt giữa giao thông thủy và bộ. Khu dân cư mới cần tôn nền vượt mực nước nội đồng lớn nhất hàng năm. Xây dựng nhà ở nông thôn theo dạng nhà trên cọc.
Khu vực thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên
Thuộc xã An Nông, diện tích 3.277,22 ha. Trong đó:
- Khu sinh thái nông nghiệp, diện tích 2.503,45 ha. Giữ gìn quỹ đất nông nghiệp, không phát triển sang các chức năng đô thị. Đối với các làng xóm hiện hữu: Kiểm soát phát triển về xây dựng, quy mô dân số, Nâng cấp và bổ sung trường học, nhà trẻ, y tế, văn hóa …, hạ tầng kỹ thuật.
- Hành lang biên giới: Khoảng không gian dọc chiều dài biên giới của huyện Tịnh Biên từ đường biên giới quốc gia đến kênh Vĩnh Tế, có diện tích 773,77 ha; phát triển nông nghiệp sinh thái.
Quy hoạch giao thông huyện Tịnh Biên An Giang
Giao thông đối ngoại đường bộ:
- Quốc lộ 91: Tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, lộ giới 42m.
- Quốc lộ N1: Tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, lộ giới 29m.
- Đường tỉnh 948: Tiêu chuẩn đường cấp IV, lộ giới 29m.
- Đường tỉnh 955A: Tiêu chuẩn đường cấp IV, lộ giới 29m.
- Đường tỉnh 945: Tiêu chuẩn đường cấp IV, lộ giới 29m.
- Đường tỉnh 949 (Hương lộ 17): Tiêu chuẩn cấp IV, lộ giới 29m.
- Đường tuần tra biên giới: Cách đường biên giới từ 50-100m; Tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp VI với mặt đường rộng 3,5m, nền đường rộng 5,5-6,5m;
– Bến xe:
- Bến xe Tịnh Biên: bố trí giáp ranh Tịnh Biên – An Phú, diện tích 2 ha.
- Bến xe Chi Lăng: nâng cấp bến xe hiện hữu, diện tích khoảng 0,25 ha.
Giao thông đối ngoại đường thủy:
- Kênh Vĩnh Tế: tiêu chuẩn cấp III, chiều rộng đáy 50,0m; chiều sâu – 3,0m.
- Kênh Trà Sư: tiêu chuẩn cấp V, chiều rộng đáy >15,0m; chiều sâu – 2,3m.
Bến cảng hàng hóa :
- Cảng Vĩnh Tế: Nằm phía Bắc cầu Hữu Nghị trên kênh Vĩnh Tế. Xây mới đảm bảo hoạt động của tàu có trọng tải đến 400 tấn.
- Bến Trà Sư: Năm phía Nam cầu Trà Sư, xây mới đảm bảo hoạt động của tàu có trọng tải đến 400 tấn.
- Bến Chi Lăng: Nằm trên kênh Trà Sư, thuộc xã Núi Voi. Xây dựng mới đảm bảo hoạt động của tàu có trọng tải đến 50 tấn
Xem thêm : Thông tin quy hoạch
Quan tâm đầu tư : Dự án tại Hà Nội | Dự án tại Bình Dương | Dự án tại Đồng Nai | Dự án tại Quảng Ninh
Từ khóa tìm kiếm liên quan : quy hoạch huyện tinh biên | quy hoạch huyện tịnh biên an giang | bản đồ quy hoạch huyện tịnh biên | quy hoạch đô thị tịnh biên | thông tin quy hoạch huyện tinh biên | quy hoạch an giang | quy hoạch tỉnh an giang | bản đồ quy hoạch tỉnh an giang | tịnh biên an giang |