Quy hoạch chung thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đến năm 2035, với những nội dung chủ yếu sau :
Phạm vi, ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch
Phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hưng Yên được xác định trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Hưng Yên hiện hữu với tổng diện tích là 7.386,10ha, được giới hạn như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
- Phía Nam giáp huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
- Phía Đông giáp huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
- Phía Tây giáp huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Tính chất quy hoạch thành phố Hưng Yên
- Quy hoạch thành phố Hưng Yên là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và khoa học kỹ thuật – công nghệ của tỉnh.
- Là đầu mối giao thông của tỉnh và của vùng Đồng Bằng sông Hồng.
- Là đô thị lịch sử – văn hóa, có điều kiện để phát triển trung tâm về thương mại, dịch vụ và du lịch.
- Là trung tâm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của vùng Đồng bằng Bắc bộ.
- Là một trong ba đô thị của tam giác kinh tế – đô thị phía Nam Thủ đô Hà Nội – khu vực nối kết Vùng Thủ đô Hà Nội với vùng Đồng bằng duyên hải.
Quy hoạch định hướng phát triển không gian thành phố Hưng Yên
Định hướng phát triển không gian đô thị
Lấy trung tâm thành phố Hưng Yên hiện hữu và khu đô thị đại học Phố Hiến làm trọng tâm chính, đồng thời kết hợp phát triển các trung tâm vệ tinh bám xung quanh. Các trục giao thông chính Bắc – Nam (đường nối hai đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình) trục Đông – Tây (Quốc lộ 38 quy hoạch mới) làm các trục động lực phát triển.
Thành phố Hưng Yên được phân thành 05 khu vực có các tính chất, quy mô diện tích, dân số và chức năng khác nhau, bao gồm:
Khu vực 1: Trung tâm lịch sử hiện hữu
Quy hoạch đến năm 2035 có quy mô dân số khoảng 69.000 người, diện tích khoảng 1.464,89 ha. Phạm vi thuộc các phường: Lam Sơn, An Tảo, Hiến Nam, Lê Lợi, Quang Trung, Minh Khai, Hồng Châu, và các xã: Bảo Khê, Quảng Châu.
Là khu vực có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử; trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Hình thành hệ thống các trung tâm về văn hóa, kinh tế, … gắn với các không gian chức năng của đô thị. Các công trình xây dựng trong trung tâm thành phố được hiện đại hóa, cải tạo chỉnh trang một số khu dân cư trong khu vực trung tâm; tạo thêm những không gian điểm nhấn, quảng trường, không gian xanh, vườn hoa nhỏ, không gian hướng ra sông Điện Biên, sông Hồng; bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan.
Khu vực 2: Khu Đại học Phố Hiến
Quy hoạch đến năm 2035 có quy mô dân số khoảng 150.000 người, diện tích khoảng 1.040 ha. Phạm vi thuộc các phường: An Tảo, Hiến Nam và các xã: Liên Phương, Trung Nghĩa, Phương Chiểu. Khu đại học gồm tổ hợp giáo dục đại học đa ngành – đa lĩnh vực, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chất lượng cao là một bộ phận của mạng lưới trường đại học, cao đẳng.
Là một khu đô thị hiện đại, điểm nhấn thúc đẩy sự phát triển các ngành du lịch, dịch vụ của thành phố Hưng Yên. Điều chỉnh khu vực phía Tây đường HY3 của Khu Đại học Phố Hiến dành cho phát triển khu đô thị. Điều chỉnh cục bộ một số vị trí, diện tích đất các khu chức năng khác trong Khu Đại học để đảm bảo cho việc tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư xây dựng (trường học, khu đô thị, khu dân cư,…) và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Bổ sung thêm chức năng đào tạo nghề, dịch vụ dân sinh còn thiểu để thu hút dân cư vào làm việc sinh sống, thu hút sinh viên vào học tập, thực hành, tạo sức hấp dẫn thu hút các trường, nhà đầu tư vào Khu Đại học Phố Hiến.
Khu vực 3: Khu phát triển mới phía Bắc
Quy hoạch đến năm 2035 có quy mô dân số khoảng 71.000 người, diện tích khoảng 1.001,89ha. Phạm vi thuộc phường An Tảo và các xã: Trung Nghĩa, Bảo Khê, Phú Cường, Hùng Cường.
Là khu vực phát triển mới, bổ sung một số chức năng đô thị của thành phố (thương mại dịch vụ, cụm công nghiệp, các khu nhà ở mới, công viên và các tiện ích đô thị khác theo mô hình khu đô thị xanh, sinh thái; trong đó khu Phú Cường, Hùng Cường phát triển theo mô hình khu đô thị vườn, sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao, du lịch); CCN Bảo Khê, CCN Cao Thôn tiếp nhận các loại hình công nghiệp sạch, thân thiện môi trường; tiếp nhận một số nhà máy, xí nghiệp phải di dời ra khỏi khu vực trung tâm lịch sử hiện hữu.
Khu vực 4: Khu cải tạo nâng cấp phía Nam
Quy hoạch đến năm 2035 có quy mô dân số khoảng 50.000 người, diện tích khoảng 1.306,17 ha. Phạm vi thuộc các xã: Phương Chiểu, Hồng Nam, Quảng Châu, Tân Hưng, Hoàng Hanh.
Là khu ở hiện hữu được nâng cấp, cải tạo, gìn giữ không gian vườn quả, cây trái nhằm bảo tồn vùng nhãn Hưng Yên.
Khu vực 5: Khu vực xanh ven sông và du lịch
Quy hoạch đến năm 2035 có quy mô dân số khoảng 10.000 người, diện tích khoảng 2.573,15 ha, Phạm vi thuộc các phường: Lam Sơn, Hiến Nam, Minh Khai, Hồng Châu và các xã: Phú Cường, Hùng Cường, Quảng Châu, Hoàng Hanh, Tân Hưng.
Là khu vực phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà ở (mô hình nhà vườn, nhà ở trang trại, làng nghỉ dưỡng) kết hợp với phát triển nông nghiệp; kết nối du lịch đường thủy trên sông Hồng với Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Các khu vực cảnh quan đặc thù được bảo vệ, các hoạt động xây dựng được kiểm soát chặt chẽ về quy mô & hình thức phát triển.
Định hướng phát triển nông thôn
- Phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, duy trì hệ sinh thái nông lâm nghiệp hiện hữu, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao. Nâng cấp các trung tâm xã hiện hữu theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Các điểm dân cư nông thôn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, được tiếp cận nhiều tiện ích đô thị và có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Đối với khu vực dân cư nằm ngoài đê được kiểm soát xây dựng và phát triển theo nguyên tắc quản lý và sử dụng bãi sông được quy định tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình
Quy hoạch giao thông thành phố Hưng Yên
- Quy hoạch giao thông đường bộ : Các tuyến nâng cấp cải tạo gồm có Quốc lộ 38, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 39. Tuyến đường bộ nối hai đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ – Ninh Bình. Xây dựng tuyến mới song song với Quốc lộ 38B.
- Bến xe đối ngoại, bãi đỗ xe : Chuyển đổi bến xe hiện tại thành bến xe bus sau khi xây dựng mới 01 bến xe tại khu vực xã Trung Nghĩa (quy mô bến xe loại 1, diện tích khoảng 5ha) gắn với ga đường sắt nội vùng Thủ đô Hà Nội. Bố trí 04 bãi đỗ xe tại các vị trí thích hợp với tổng diện tích khoảng 5ha.
- Quy hoạch giao thông đường sắt : Theo Điều chỉnh QHXD vùng Thủ đô Hà Nội, định hướng xây dựng tuyến đường sắt nội vùng (vận tải hành khách) Hà Nội – Hưng Yên (tuyến số 06), trên địa bàn thành phố Hưng Yên chạy dọc theo hành lang đường nối 2 cao tốc.
- Quy hoạch giao thông đường thủy : Nạo vét khai thông dòng chảy tuyến sông Hồng phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng; đồng thời tạo nên trục giao thông đường thủy phục vụ du lịch, cảnh quan thành phố. Cảng Hưng Yên đến năm 2030 đạt công suất 350 ngàn tấn/năm. Xây dựng 02 bến tàu khách trên sông Hồng tại phường Minh Khai và xã Quảng Châu.
Các dự án ưu tiên đầu tư tại TP Hưng Yên
Trung tâm thành phố Hưng Yên hiện hữu (phía Tây sông Điện Biên)
- Xây dựng hệ thống cầu qua sông. Cải tạo, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu. Hình thành các khu đô thị mới tại các phường: Lam Sơn, Hồng Châu.
- Nâng cấp, chỉnh trang, chú trọng thiết kế đô thị tại các trục trung tâm: Nguyễn Văn Linh, Triệu Quang Phục, Phạm Bạch Hổ, Lê Văn Lương, Hải Thượng Lãn Ông, Chu Mạnh Trinh.
Khu phát triển mới (phía Đông sông Điện Biên)
- Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối với hệ thống hạ tàng trong trung tâm hiện hữu thông qua hệ thống cầu qua sông Điện Biên. Hình thành một phần Khu đô thị Đại học Phố Hiến.
- Cải tạo nâng cấp hệ thống kênh, sông hiện hữu (sông Điện Biên, sông Hòa Bình, sông Lê Như Hổ,…) & hệ thống đường giao thông song hành hai bên sông tạo mạng lưới kết nối kênh sông liên hoàn, tăng khả năng tiêu thoát nước, cải tạo môi trường, cảnh quan cho thành phố.
Khu vực phía Bắc thành phố Hưng Yên
Hoàn chỉnh xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Bảo Khê, Cụm công nghiệp Cao Thôn. Từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển các khu đô thị mới; nâng cấp, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.
Khu vực phía Nam thành phố Hưng Yên
Quy hoạch các khu dân cư mới theo nhu cầu thực tế của từng xã ngoại thành, đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng và gắn kết hài hòa với khu cũ. Ưu tiên xây dựng chợ đầu mối nông sản, tạo điều kiện khai thác, phát huy thế mạnh đặc sản nông nghiệp địa phương.
Xem thêm : Thông tin quy hoạch
Quan tâm đầu tư : Dự án tại Hà Nội | Dự án tại Bình Dương | Dự án tại Đồng Nai | Dự án tại Quảng Ninh
Từ khóa tìm kiếm liên quan : quy hoạch thành phố hưng yên | bản đồ quy hoạch thành phố hưng yên | quy hoạch chung thành phố hưng yên | quy hoạch tp hưng yên | quy hoạch hưng yên | thông tin quy hoạch thành phố hưng yên | bản đồ quy hoạch hưng yên | quy hoạch tỉnh hưng yên | quy hoạch đô thị hưng yên | quy hoạch thành phố hưng yên mới nhất.