Nhiều ông lớn bất động sản Hà Nội bị dừng triển khai các dự án BT

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa có văn bản thông báo dừng triển khai đối với 82 dự án BT trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư về việc tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn Thành phố theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP, loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).

Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT.

Dừng triển khai một số dự án BT tại Hà Nội
Hà Nội yêu cầu dừng triển khai 82 dự án BT trên địa bàn thành phố ( Ảnh minh họa )

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021), đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT dừng triển khai dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Năm 2020, lãnh đạo UBND Thành phố đã họp về việc rà soát các dự án đầu tư theo hình thức PPP của Thành phố, theo đó UBND Thành phố chỉ đạo đối với các dự án chưa giao nhà đầu tư (kể cả dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư) giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các nhà đầu tư đề xuất dự án, nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án việc dừng công tác chuẩn bị đầu tư.

Năm 2021, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai thực hiện các dự án PPP và chuyển đổi một số dự án sang hình thức đầu tư công trên địa bàn Thành phố, theo đó Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, thông báo cho các nhà đầu tư dừng công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát từng dự án cụ thể, tham mưu đề xuất UBND Thành phố xem xét, chuyển đổi sang hình thức đầu tư công đối với những dự án cần thiết, cấp bách theo quy định.

Dựa trên các chỉ đạo đó, các dự án do cơ quan nhà nước và Nhà đầu tư đề xuất thuộc trường hợp dừng triển khai, dừng thực hiện.

Trong danh mục các dự án dừng triển khai, dừng thực hiện có hai dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng gồm dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển quy mô 7,5 km do liên danh CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (Mã: VPI) – CTCP Đầu tư Văn Phú CIC – CTCP Đầu tư Văn Phú số 1 – CTCP Tập đoàn Phú Mỹ – Công ty TNHH An Quý Hưng thực hiện.

Tiếp đó là dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai với quy mô 23,1km do liên danh CTCP Sông Đà – Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) – CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới – CTCP Đại An thực hiện.

Ngoài ra còn có các dự án của nhiều “ông lớn” bất động sản khác như: Him Lam, Bitexco, Sungroup, CEO Group, Eurowindow, Geleximco…

Các dự án BT Hà Nội bị dừng triển khai

  • Dự án xây Cầu Tứ Liên và đường cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; dự án đường Võ Thị Sáu kéo dài phải dừng triển khai của CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group)
  • Dự án xây dựng nút giao giữa vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long và cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng của CTCP Him Lam.
  • Ba dự án, gồm : Dự án xây ba tuyến đường Đa Tốn (trên đường Hà Nội – Hải Phòng); đường nối KĐT với đường 179; đường 179 từ Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải do thực hiện; dự án xây cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu. Cuối cùng là dự án hạ ngầm đường cao thế đoạn Chèm – Tây Hồ của CTCP Phát triển Đô thị Việt Hưng (nay là CTCP Tập đoàn Ecopark).
  • Dự án đường 70 đoạn từ Văn Điển đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (đường nối Quốc lộ 1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ) của CTCP Bitexco (Bitexco Group).
  • Dự án Khu trung tâm chính trị – hành chính, khu liên hợp văn hóa – thể thao huyện Quốc Oai với tổng diện tích 9ha của CEO Group.
  • CTCP Tập đoàn T&T cũng có ba dự án, gồm : Dự án vành đai 3,5 đoạn cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 5 kéo dài; Dự án Vành đai 4 đoạn cao tốc Hà Nội – Lào Cai đến Quốc lộ 32 và đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và cuối cùng là xây dựng tuyến đường từ Thành cổ Sơn Tây tới phía Bắc Đền Và.
  • CTCP Tập đoàn Nam Cường có dự án xây dựng đường trục kinh tế Bắc Nam tỉnh Hà Tây (cũ) với quy mô 20 km.
  • CTCP Tasco (Mã: HUT) có dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp làm đường giao thông từ Liên Mạc đến cống Hà Đông, quy mô 17,7km; dự án xây dựng đường vành đai thị trấn Quốc Oai (từ đường Bắc Nam đô thị Quốc Oai đến đường tỉnh 421B)…

Nguồn tham khảo : Cafeland.vn

Rate this post
Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
Share on whatsapp
WhatsApp
Scroll to Top